Về các hoạt động của KSV trước phiên tòa, Quy định nêu rõ: Sau khi được phân công, KSV, người nghiên cứu hồ sơ thực hiện các việc sau:

Thứ nhất, kiểm sát quyết định đưa vụ án ra xét xử; T

hứ hai, nghiên cứu hồ sơ vụ án. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV, người nghiên cứu hồ sơ tiến hành kiểm sát các nội dung sau: Kiểm sát việc thụ lý vụ án; Nghiên cứu yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, ý kiến khác của đương sự;Kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; Kiểm sát việc tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;Kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án (việc lấy lời khai, đối chất; việc trưng cầu giám định; việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; việc xem xét, thẩm định tại chỗ; việc ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ);

Thứ ba, yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ (nếu cần thiết). Thứ tư, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án. Thứ năm, dự kiến diễn biến tại phiên tòa, dự kiến câu hỏi, dự thảo bài phát biểu. Thứ sáu, xây dựng hồ sơ kiểm sát, chuyển trả hồ sơ cho Tòa án.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát tại một phiên tòa dân sự. Ảnh: K.S 

Tại phiên tòa, các hoạt động của KSV bao gồm: Theo dõi và ghi chép diễn biến tại phiên tòa; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa; Kiểm sát việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu tại phiên tòa; Kiểm sát việc chấp nhận chứng cứ được giao nộp tại phiên tòa; công bố tài liệu tại phiên tòa; yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; Hỏi và kiểm sát việc hỏi, tranh luận, đối đáp; Kiểm sát việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; hoãn, tạm ngừng phiên tòa; Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên tòa; Kiểm sát việc Hội đồng xét xử áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa; Phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát về việc giải quyết vụ án; Kiểm sát việc nghị án, tuyên án và kiểm tra biên bản phiên tòa.

Đáng chú ý, theo Quy định, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, KSV kiểm sát việc tuân theo các quy định của pháp luật về phiên tòa như: địa điểm tổ chức phiên tòa, hình thức bố trí phòng xét xử, việc xét xử trực tiếp, bằng lời nói, xét xử công khai hay xét xử kín… KSV kiểm sát việc tuân theo pháp luật của thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa; kiểm tra tư cách pháp lý của những người tiến hành tố tụng. KSV đối chiếu danh sách Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử với những thành viên trong Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa có mặt tại phiên tòa.

Trường hợp phát hiện thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa không đúng với quyết định đưa vụ án ra xét xử mà không có thành viên dự khuyết, thì KSV đề nghị chủ tọa hỏi đương sự, trường hợp đương sự không đồng ý với thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa không có trong quyết định đưa vụ án ra xét xử thì đề nghị hoãn phiên tòa, trường hợp đương sự đồng ý thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa mới thì vẫn tiến hành xét xử. 

Trường hợp phát hiện thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa phải từ chối tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) hoặc phải thay đổi theo quy định tại Điều 53 và Điều 54 BLTTDS, KSV đề nghị thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi bằng người dự khuyết, nếu không có người dự khuyết thì đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 56 và khoản 1 Điều 233 BLTTDS.

Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của KSV về việc đề nghị từ chối hoặc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hoặc Thư ký phiên toà và vẫn tiến hành xét xử thì KSV vẫn tiếp tục tham gia phiên tòa, phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát.

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng, KSV kiểm tra tư cách pháp lý của đương sự và người tham gia tố tụng khác theo quy định các Điều: 227, 229, 230 và 231 BLTTDS. Trường hợp vụ án có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch mà họ vắng mặt thì KSV phải đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên toà theo quy định, trừ những trường hợp quy định tại Điều 228 BLTTDS. Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị của KSV thì KSV vẫn tiếp tục tham gia phiên toà, phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Trường hợp đương sự không có mặt theo giấy triệu tập hợp lệ lần thứ hai của Tòa án, cần kiểm tra xem có đơn đề nghị xét xử vắng mặt của đương sự, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không.

Trường hợp tại phiên tòa, phát hiện người giám định, người phiên dịch phải thay đổi thì KSV đề nghị thay đổi bằng người dự khuyết, nếu không có người dự khuyết thì đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 84 và khoản 1 Điều 233 BLTTDS.

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa, KSV kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng tại phiên tòa của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà và những người tham gia tố tụng từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phiên toà, bao gồm các thủ tục bắt đầu phiên toà theo quy định tại Điều 237 và Điều 239 BLTTDS; thủ tục thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định tại Điều 240 BLTTDS; thủ tục hỏi tại phiên toà theo quy định tại Điều 249 BLTTDS; thủ tục tranh luận tại phiên toà theo quy định tại các Điều 260 và Điều 263 BLTTDS; thủ tục nghị án, tuyên án theo quy định tại các Điều 264, Điều 267 BLTTDS, nhằm bảo đảm việc xét xử tại phiên toà được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, bảo đảm cho việc xét xử vụ án được khách quan, đúng pháp luật.

Ngoài các hoạt động trước và tại phiên tòa, Quy định còn nêu rõ các hoạt động của KSV sau phiên tòa, cụ thể đó là 4 hoạt động gồm: Gửi bài phát biểu, báo cáo kết quả xét xử; kiểm sát việc giao gửi bản án, quyết định; kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án; hoàn thiện, lưu hồ sơ kiểm sát.

P.V