Theo Kế hoạch, việc thi tuyển nhằm bổ nhiệm chức danh Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp cho VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014.
Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ công chức ngành Kiểm sát, trong đó có đội ngũ Kiểm tra viên của Viện kiểm sát các cấp.
Việc thi tuyển phải bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Viện trưởng VKSND tối cao quản lý thống nhất công tác tổ chức cán bộ trong Ngành.
Bảo đảm bình đẳng, khách quan, dân chủ, công khai trong quá trình tổ chức thi tuyển; lựa chọn được người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014; Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 ngày 13/5/2015 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên của VKSND (Nghị quyết số 924) để bổ nhiệm Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngạch chức danh khi được bổ nhiệm.
Nội dung thi phải sát với yêu cầu cần có của mỗi chức danh; bảo đảm cho các ứng viên phát huy năng lực, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ khi tham gia dự thi.
Về nguyên tắc, Kế hoạch nêu rõ: Việc tổ chức tuyển chọn, thi tuyển được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và cạnh tranh (có số dư). Đối với đơn vị không đảm bảo về nguồn dự thi thì không nhất thiết thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh.
Người dự thi tuyển Kiểm tra viên cao hơn phải đang giữ ngạch thấp hơn liền kề hoặc tương đương.
Người đăng ký dự thi có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo quy định trước khi Hội đồng thi tuyển phê duyệt danh sách ứng viên dự thi.
Người trúng tuyển phải có đủ các bài thi của các môn thi theo quy định; có số điểm của mỗi bài thi 50 điểm trở lên (chưa nhân hệ số); có tổng điểm thi cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu mỗi ngạch Kiểm tra viên cần bổ sung của đơn vị đăng ký dự thi được phê duyệt.
|
|
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: BVPL) |
Về số lượng vị trí cần bổ sung Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp: Trên cơ sở chỉ tiêu số lượng Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp của các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân đã được Viện trưởng VKSND tối cao giao và nhu cầu cần bổ nhiệm chức danh Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp của mỗi đơn vị năm 2022.
Đối tượng tham gia dự thi Kiểm tra viên cao cấp là: Kiểm tra viên chính, Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Chuyên viên chính đang công tác tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao (trừ Cơ quan điều tra).
Đối tượng tham gia dự thi Kiểm tra viên chính là: Kiểm tra viên, Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên sơ cấp, Chuyên viên đang công tác tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh (trừ Cơ quan điều tra).
Trường hợp khác, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và công tác tổ chức cán bộ, Ban Cán sự đảng VKSND tối cao xem xét, quyết định.
Cũng theo Kế hoạch, ứng viên đăng ký dự thi tuyển phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của từng ngạch. Cụ thể, đối với Kiểm tra viên cao cấp: Đảm bảo các tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 924; đang giữ ngạch Kiểm tra viên chính hoặc tương đương (Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Chuyên viên chính), đã có thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên chính từ đủ 5 năm trở lên (tính đến ngày 31/12/2022); trường hợp đã có thời gian giữ ngạch tư pháp khác tương đương thì thời gian giữ ngạch đó được tính vào thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên chính. Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.
Đối với Kiểm tra viên chính: Đảm bảo các tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 924; đang giữ ngạch Kiểm tra viên hoặc tương đương (Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên sơ cấp, Chuyên viên); đã có thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên từ đủ 5 năm trở lên (tính đến ngày 31/12/2022), trường hợp đã có thời gian giữ ngạch tư pháp khác tương đương thì thời gian giữ ngạch đó được tính vào thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên; đồng thời phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện của từng ngạch nêu trên, các ứng viên đăng ký dự thi tuyển phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện khác. Cụ thể, phải được cơ quan, đơn vị nhận xét, đánh giá quá trình công tác liên tục trong 3 năm trước đó (2019, 2020, 2021) hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trường hợp trong 3 năm trước đó có 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ thì phải có ít nhất 1 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở sở trở lên thì được xem xét; được tập thể lãnh đạo và cấp uỷ cơ quan, đơn vị nơi ứng viên công tác đồng ý và thống nhất cử ứng viên đăng ký tham gia dự thi tuyển.
Được cấp uỷ hoặc chính quyền cơ sở nơi ứng viên cư trú thường xuyên (12 tháng trở lên) nhận xét tốt về việc chấp hành pháp luật của ứng viên và gia đình tại nơi cư trú.
Không trong thời gian xem xét hoặc bị thi hành kỷ luật; có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao; đồng thời, có đầy đủ hồ sơ, lý lịch cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức theo quy định.
Hình thức thi: thi môn chuyên ngành, thi viết 180 phút và thi trắc nghiệm 60 phút.
Nội dung thi: Kiến thức liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính (theo các lĩnh vực của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, hình sự, dân sự, hành chính và các văn bản liên quan đang có hiệu lực thi hành).
Địa điểm thi: Tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đối với ứng viên của đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, các tỉnh từ Quảng Trị trở ra (thi Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp).
Tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh đối với ứng viên của các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào (thi Kiểm tra viên chính).
Cách tính điểm: Bài thi được chấm theo thang điểm 100 đối với mỗi hình thức thi (điểm thi viết: 100, tính hệ số 2; điểm thi trắc nghiệm: 100, tính hệ số 1).
Xem nội dung Kế hoạch tại đây: ke-hoach