Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tạo hành lang pháp lý quan trọng để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong phạm vi toàn quốc (Nghị định số 82/2020/NĐ-CP).

Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022. Luật số 67/2020/QH14 được ban hành với những quy định sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp đến Nghị định số 82/2020/NĐ-CP như: Bổ sung quy định về việc giao Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước; về áp dụng tình tiết tăng nặng đối với trường hợp vi phạm nhiều lần vi phạm hành chính nhiều lần; sửa đổi, bổ sung thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt...

Ngày 18/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó có quy định về xử phạt đối với hành vi của luật sư khi tham gia tố tụng. Do vậy, cũng cần thiết phải sửa đổi các quy định liên quan đến vấn đề này tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Bên cạnh đó, ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) (Nghị định số 118/2021/NĐ-CP), trong đó, quy định các yêu cầu, nguyên tắc để làm căn cứ quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính…

Những nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên tại Luật số 67/2020/QH14 và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định tương ứng tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng Nghị định nhằm quy định chi tiết một số điều, khoản mà Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

Việc xây dựng Nghị định đảm phù hợp với Hiến pháp và Luật XLVPHC, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Đồng thời, kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP; bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế.

Về nội dung, trên cơ sở rà soát các quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP với các quy định của Luật XLVPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, Điều 1 dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP tập trung vào các vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Luật XLVPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020), bao gồm: quy định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện; về việc thi hành các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; về việc áp dụng tình tiết tăng nặng trong trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần (khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định).

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về việc xử lý đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì: “Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, thì phải quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đó”.

Do đó, dự thảo Nghị định đã chỉnh sửa các quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu tang vật là giấy phép, chứng chỉ hành nghề... bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung” đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động thành biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ đó”.

Đồng thời, dự kiến bổ sung quy định về thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả này tại dự thảo Nghị định.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về việc xử lý đối với giấy tờ, tài liệu (không phải là giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động) bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Đối với một số hành vi “tẩy xoá, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp” mà giấy tờ, văn bản đó không phải là giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động, dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc nộp lại bản chính giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, văn bản thông báo người bào chữa bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp, trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu...” thay cho biện pháp khắc phục hậu quả “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của một số chức danh tại các Điều 83, 84, 85, 86 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm thống nhất với các quy định về biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến sửa đổi, bổ sung như đã nêu trên tại dự thảo Nghị định.

P.V