Hệ thống pháp luật thực định quy định về nhà giáo còn nhiều bất cập

Theo cơ quan chủ trì xây dựng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã xác định quan điểm xuyên suốt qua các thời kỳ “Thực sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Đảng ta luôn xác định giáo dục là sự nghiệp của Đảng, toàn dân, là quốc sách hàng đầu, đặc biệt coi trọng vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các nghị quyết, chủ trương thể hiện sự quan tâm sâu sắc, liên tục, nhất quán trong quan điểm của Đảng đối với nhà giáo. Các văn bản cao nhất của Đảng đã thể hiện chủ trương, quan điểm toàn diện về xây dựng, đội ngũ nhà giáo với các nhóm vấn đề cơ bản gồm: Vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo; tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà giáo; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; hợp tác quốc tế trong công tác quản lý nhà nước, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Do đó, các quan điểm, chủ trương nêu trên cần được thể chế hóa thành luật để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cùng với đó, hệ thống pháp luật thực định quy định về nhà giáo còn nhiều bất cập cần pháp điển hóa, bổ sung. Theo kết quả rà soát, thống kê của Bộ GDĐT, trong giai đoạn 2010-2021, các cơ quan có thẩm quyền các cấp đã ban hành gần 200 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo.

Về văn bản Luật, có 4 Luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo, bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (năm 2012 và sửa đổi năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.

Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cũng chịu sự chi phối của một số đạo luật như: Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2018; Luật tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật thể dục, thể thao sửa đổi năm 2018... Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành hơn 100 văn bản dưới Luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Luật nêu trên. Tuy nhiên, qua rà soát, tổng kết, đối chiếu với nhu cầu thực tế của đội ngũ nhà giáo và các chính sách, pháp luật hiện có về nhà giáo vẫn cho thấy những tồn tại, hạn chế lớn, có tác động cơ bản đến tương lai của nền giáo dục Việt Nam.

Theo đó, hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo. Quy định về nhà giáo chủ yếu ở các văn bản dưới luật. Một số văn bản luật liên quan đã có các chương, điều quy định về nhà giáo hoặc đưa ra các chế tài để quản lý nhà giáo nhưng do áp dụng chung với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác nên chưa thể hiện được đặc trưng cơ bản của nhà giáo và nghề dạy học. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa đầy đủ và tường minh về nhà giáo. Trong khi đó, so với nhiều ngành khác, hoạt động giáo dục, giáo dưỡng của nhà giáo trong ngành giáo dục và đào tạo có những đặc điểm đặc trưng. Trong đó,  giáo dục, đào tạo con người, tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Lao động sư phạm của nhà giáo là lao động đặc biệt, từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhiều vấn đề của thực tiễn đã thay đổi như yêu cầu phát triển và yêu cầu quản lý giáo dục trong chuyển đổi số; bối cảnh xã hội hóa, dân chủ hóa và xây dựng xã hội học tập... nhưng chưa được phản ánh trong hệ thống quy định của pháp luật về nhà giáo.

Ngoài ra, còn có những hạn chế, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn phát triển đội ngũ nhà giáo như cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối; việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập…

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Những bất cập nêu trên trong hệ thống pháp luật hiện hành về nhà giáo đã tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng và phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay. Do đó, những vấn đề về nhà giáo cần được điều chỉnh bằng một Bộ luật để bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện.

Luật điều chỉnh về nhà giáo được ban hành sẽ giúp pháp điển hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang điều chỉnh các chế độ chính sách đối với nhà giáo, khắc phục sự tản mạn, chồng chéo của các văn bản hiện hành, tạo ra sự minh bạch, rõ ràng và dễ dàng tiếp cận được các quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo; khắc phục sự bất bình đẳng công tư trong chính sách, chế độ đối với nhà giáo làm việc ở khu vực tư; khắc phục quan điểm áp dụng các chính sách chung của viên chức đối với nhà giáo ở khu vực công và giải quyết hậu quả của việc này (ví dụ: giảm biên chế nhà giáo như giảm biên chế viên chức hành chính, cào bằng, thay đổi chế độ phụ cấp ...) nhằm xây dựng chính sách tuyển sinh, tuyển dụng, quy hoạch, phát triển đội ngũ nhà giáo phù hợp với nhu cầu sử dụng; thu hút, tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cả nước hiện có khoảng 1,4 triệu nhà giáo

Cũng theo cơ quan chủ trì, mục đích xây dựng Luật nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nhà giáo và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo; nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ cơ bản về nhà giáo với giá trị pháp lý cao, tương đối ổn định, phù hợp phát triển giáo dục, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung.

Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mặt khác, tạo bình đẳng giữa nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập; phát triển nhà giáo thực hiện giáo dục đặc biệt; tạo cơ chế thu hút nhà giáo nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam, nhà giáo người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội tham gia, đóng góp đối với các hoạt động giáo dục tại Việt Nam; tạo điều kiện cho nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của nhà giáo trong quá trình hội nhập quốc tế.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật Nhà giáo quy định về vị trí, vai trò của nhà giáo; tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; chế độ, chính sách đối với nhà giáo; quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; hợp tác quốc tế về nhà giáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và xã hội đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Luật Nhà giáo áp dụng đối với nhà giáo, người thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục trong công lập và ngoài công lập của hệ thống giáo dục quốc dân, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác; tổ chức và cá nhân liên quan đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ GDĐT, tính đến năm học 2020-2021, tổng số nhà giáo trong cả nước là 1.402.469 người. Trong đó, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông, đại học là 1.318.510 (biên chế 1.059.729, hợp đồng 48.662, ngoài công lập 123.996). Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 1.190.443 nhà giáo (công lập 1.108.391, ngoài công lập 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 83.959 nhà giáo (37.235 nhà giáo trong các trường cao đẳng, 13.295 nhà giáo trong các trường trung cấp, 23.086 nhà giáo trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và có gần 10.343 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).

Biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

P.V