Theo báo cáo, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) số 47/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 (Luật các TCTD) và được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 17/2017/QH14 này 20/11/2017, qua hơn 12 năm thực hiện, Luật các TCTD đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Luật các TCTD 2010 và Luật các TCTD sửa đổi năm 2017 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các TCTD cũng như cơ chế quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD của cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp xử lý các TCTD yếu kém nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các TCTD tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.

Theo cơ quan chủ trì xây dựng, việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD phải bám sát quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (trong đó có mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng) tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 (khoản 1 Điều 4); căn cứ nhiệm vụ (Mục II.4) Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cụ thể: Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng cơ bản một cách thuận tiện, chi phí thấp tới người dân không có tài khoản ngân hàng, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Cùng với đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD cần thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại TCTD, tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát. Khuôn khổ pháp lý liên quan tới tiền tệ, ngân hàng phải phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm giữ an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai, cạnh tranh và phù hợp với những thông lệ quốc tế tốt nhất, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD cần khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại về mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật các TCTD và các Luật khác (Luật Hợp tác xã, Luật Giao dịch điện tử, Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp,...); đồng thời xử lý các hạn chế, tồn tại phát sinh trên thực tế trong quá trình thực thi Luật các TCTD.

Thêm vào đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD cần tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế về các nội dung, vấn đề mới để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp với chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.

Về đề xuất sửa đổi cụ thể, để đảm bảo thực hiện kịp thời chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật các TCTD cần gắn với việc luật hóa quy định về xử lý nợ xấu của các TCTD tại Nghị quyết số 42 của Quốc hội. Theo đó, trước mắt, bên cạnh việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu của các TCTD, Luật các TCTD cần xem xét, sửa đổi những vấn đề lớn, những chính sách lớn để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các TCTD, Quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững.

Những vấn đề không cấp thiết sẽ được hoàn thiện, chỉnh sửa trong thời gian tới hoặc trong quá trình tổng kết, đề xuất ban hành dự án Luật thay thế. Trên cơ sở đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật các TCTD đã xác định những chính sách, nhóm vấn đề cụ thể.

Theo đó, Luật quy định các vấn đề về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD; các vấn đề về nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD; các vấn đề về tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD; khắc phục bất cập, vướng mắc liên quan đến cơ cấu lại TCTD yếu kém…

P.V