Quy định này áp dụng đối với Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Cán bộ điều tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo Quy định, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ điều tra phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác điều tra tội phạm của ngành KSND.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Cán bộ điều tra, tại Điều 4 Quy định nêu rõ: Công chức đang công tác tại Cơ quan điều tra VKSND tối cao và sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đang công tác tại Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương có thể được bổ nhiệm làm Cán bộ điều tra khi đáp ứng đủ các điều kiện đó là: Thứ nhất, có đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 46 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự. Thứ hai, có thời gian làm công tác pháp luật từ 01 năm trở lên (thời gian làm công tác pháp luật là thời gian được tính từ thời điểm người có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc đại học Luật trở lên được điều động về công tác tại các ngành Điều tra, Bảo vệ an ninh, Thanh tra, Thi hành án, Tòa án, Kiểm sát, Pháp chế).

Về điều kiện miễn nhiệm, cách chức Cán bộ điều tra, Quy định nêu: Thứ nhất, Cán bộ điều tra có thể được miễn nhiệm chức danh vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thứ hai, Cán bộ điều tra đương nhiên được miễn nhiệm chức danh khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành, chuyển sang lĩnh vực công tác khác không thuộc lĩnh vực điều tra. Thứ ba, Cán bộ điều tra đương nhiên bị mất chức danh khi bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thứ tư, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, Cán bộ điều tra có thể bị cách chức chức danh nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Vi phạm trong công tác điều tra vụ án hình sự; vi phạm quy định tại Điều 14 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự; vi phạm về phẩm chất đạo đức; có hành vi vi phạm pháp luật khác.

Liên quan đến trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ điều tra, tại Điều 7 Quy định thể hiện: Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Cán bộ điều tra thuộc đơn vị mình. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức gửi Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định, báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Cán bộ điều tra. Cán bộ điều tra thuộc trường hợp đương nhiên được miễn nhiệm chức danh thì không phải ra quyết định miễn nhiệm.

Cũng theo Quy định trên, Viện trưởng VKSND tối cao là người có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Cán bộ điều tra.

P.V

Theo Quy định, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương là người được bổ nhiệm để giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật.