Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về vai trò của VKSND góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1964).
Công tác tuyên truyền pháp luật và trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát được chú ý hơn. Tháng 1/1963, Tập san Trao đổi kinh nghiệm công tác được Lãnh đạo VKSND tối cao quyết định đổi tên thành Tập san Công tác kiểm sát, phát hành cho các đơn vị trong toàn ngành.
Tháng 5/1963, VKSND tối cao có công văn yêu cầu viện trưởng Viện kiểm sát các địa phương tổ chức nghiên cứu, rút kinh nghiệm về một số loại tội theo sự phân công của VKSND tối cao như: các tội tuyên truyền phản cách mạng, phá hoại kinh tế, hiếp dâm, giết người, tham ô... Ngày 4/11/1963, tại Hà Nội, VKSND tối cao tổ chức hội nghị chuyên đề nghiên cứu về tội phạm và cấu thành tội phạm.
Thành phần hội nghị bao gồm: VKSND các tỉnh, thành, khu, viện kiểm sát quân sự các cấp. Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích nâng cao hiểu biết khái niệm chung về tội phạm và những yếu tố cấu thành tội phạm, về một số loại tội cụ thể mà địa phương thường vướng mắc, đồng thời nâng cao một bước trình độ nhận thức về chính sách, pháp luật về tội phạm và xử lý tội phạm, thông qua đó mà vận dụng vào các bước công tác chủ yếu như bắt giam, miễn tố, truy tố, làm cáo trạng, xây dựng bản luận tội để đấu tranh chống tội phạm và ngăn ngừa phạm pháp có kết quả.
|
|
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh với các đồng chí Viện trưởng VKSND các tỉnh miền núi (Ảnh: tư liệu) |
Hai ngành Kiểm sát và Công an tuy có chức năng khác nhau, nhưng đều có nhiệm vụ chung là đấu tranh chống bọn phản cách mạng và các loại tội phạm khác, giữ gìn trật tự, an ninh, giữ gìn pháp chế, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân... Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do chưa có quy định cụ thể về quan hệ công tác giữa hai ngành nên mỗi ngành chưa phát huy hết chức năng của mình, đôi khi còn làm trùng lẫn nhau. Vì vậy, ngày 28/6/1963, VKSND tối cao và Bộ Công an ban hành Thông tư số 427/TTLB quy định tạm thời một số nguyên tắc về quan hệ công tác giữa VKSND tối cao và Bộ Công an.
Thông tư quy định tạm thời về một số nguyên tắc trong quan hệ giữa hai ngành về công tác điều tra, kiểm sát điều tra, kiểm sát giam giữ nhằm đảm bảo việc điều tra và xử lý bọn tội phạm được đúng chính sách, đúng pháp luật và nhanh chóng.
Tháng 10/1963, Đoàn đại biểu Viện Kiểm sát Liên Xô do đồng chí R.A.Rudenco - Tổng Kiểm sát trưởng Viện Kiểm sát tối cao Liên Xô sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Đồng chí Rudenco khẳng định kết quả mà Viện kiểm sát Việt Nam đạt được là hết sức to lớn, nhất là trong lĩnh vực kiểm sát chung, đồng thời cũng khẳng định Việt Nam có đủ cơ sở để xây dựng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, góp phần củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa và tạo điều kiện cho cơ quan kiểm sát làm việc được dễ dàng. Đoàn đại biểu Viện Kiểm sát Liên Xô cũng khẳng định sự quan tâm của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho hoạt động của Viện Kiểm sát Việt Nam.
Thực hiện Chỉ thị số 02/VP ngày 16/4/1962 của Viện trưởng VKSND tối cao, toàn ngành tiếp tục phương châm “vừa chiến đấu, vừa xây dựng” bằng cách nâng cao trình độ tổ chức, đưa nghiệp vụ gắn với khoa học pháp lý xã hội chủ nghĩa, chú trọng nâng cao lập trường, quan điểm chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, làm cho đội ngũ cán bộ kiểm sát vừa có trình độ, lập trường tư tưởng vững vàng, công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn, vừa có trình độ chuyên môn pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công nông, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc, bổ sung cán bộ trẻ theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị cán bộ tổ chức Trung ương lần thứ năm.
Ngành kiểm sát đã kiện toàn thêm một bước về tổ chức. Sau khi chia tỉnh ở Khu Tây Bắc, ngành đã thành lập viện kiểm sát ở ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ. Các huyện miền núi đều đã có viện kiểm sát. Viện Kiểm sát Hà Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất nhất hai viện kiểm sát Bắc Ninh và Bắc Giang; hợp nhất hai viện kiểm sát Kiến An và Hải Phòng, chuẩn bị hợp nhất hai Viện kiểm sát Hải Ninh và Hồng Quảng thành Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Ninh. Tổng số biên chế của toàn ngành là 1.267 người, tăng 2% so với năm 1962.
|
|
Đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh với giáo viên và cán bộ Trường Kiểm sát Hà Nội, năm 1971. (Ảnh: tư liệu) |
Ngành đã mở nhiều lớp bồi dưỡng cán bộ ngắn hạn hai tháng, sáu tháng, mở hội nghị chuyên đề về công tố nhằm bồi dưỡng cán bộ về khoa học pháp lý, nghiên cứu vận dụng lý luận về tội phạm và cấu thành tội phạm. Chú trọng bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các tỉnh và cán bộ nghiệp vụ trung cấp ở VKSND tối cao. Ngành cũng đã mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ mới vào ngành.
VKSND tối cao đã bước đầu chú ý tổ chức nghiên cứu khoa học, chú trọng việc trao đổi kinh nghiệm với Viện Kiểm sát Liên Xô khi Đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm qua trao đổi giữa Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với Viện Kiểm sát tỉnh Hải Ninh, qua đó học tập được một số kinh nghiệm về lý luận và công tác kiểm sát của các nước bạn.
Tháng 1/1964, đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo tình hình công tác kiểm sát năm 1963, thay mặt Đảng đoàn VKSND tối cao đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề sau:
Xúc tiến việc thành lập Ban Chính pháp của Trung ương Đảng do một đồng chí ủy viên Trung ương phụ trách để tăng cường sự lãnh đạo của Trung ương Đảng với các ngành hữu quan, chủ trì và đẩy mạnh việc phối hợp giữa ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án trong việc xây dựng đường lối cụ thể đối với một số loại tội phạm theo tinh thần tăng cường pháp chế của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng làm cơ sở cho sự nhất trí giữa ba ngành.
Giao cho Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm chính về việc xây dựng dự thảo pháp luật để trình Quốc hội và về việc tuyên truyền pháp luật. Cơ quan nào thuộc Hội đồng Chính phủ phụ trách công tác đó cần có sự liên hệ chặt chẽ với ngành Kiểm sát, Toà án và Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng.
Định nguyên tắc quan hệ giữa toà án phúc thẩm của Toà án nhân dân tối cao với các cấp uỷ đảng ở địa phương khi xét xử phúc thẩm các vụ án đã có ý kiến của các cấp uỷ đảng đó và có biện pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xét xử phúc thẩm.
Tăng biên chế cho ngành kiểm sát, chủ yếu là cho VKSND cấp huyện và một số viện kiểm sát tỉnh mà biên chế còn quá ít, điều chỉnh thang lương của cán bộ kiểm sát cho phù hợp với vị trí chính trị, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát và tương quan với các ngành hành chính, công an, toà án.
Từ ngày 29/9 đến ngày 29/10/1964, VKSND tối cao mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ nghiên cứu mới vào ngành đang làm công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự ở các viện kiểm sát địa phương chưa qua lớp bồi dưỡng nào. Mục đích là bồi dưỡng cho cán bộ và nhân viên mới vào ngành những kiến thức cơ bản để hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của ngành, nắm vững nghiệp vụ các khâu công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự.
Nội dung bồi dưỡng bao gồm: Hiến pháp và Luật Tổ chức VKSND; kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử; khái niệm về tội phạm và cấu thành tội phạm; đường lối xử lý và vấn đề hình phạt; chứng cứ trong khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can, nhân chứng; xây dựng hồ sơ; một số tội phạm cụ thể như: tham ô, giết người, đầu cơ, hiếp dâm, đánh bạc, phản tuyên truyền... kết hợp tham quan phiên toà.
Ngày 12/10/1964, Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 220/QĐ thành lập Trường Cán bộ kiểm sát trực thuộc VKSND tối cao. Đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng VKSND tối cao được cử trực tiếp phụ trách nhà trường. Đồng chí Nguyễn Văn Ngoạn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức và cán bộ được cử làm Phó Hiệu trưởng. Sau khi thành lập, Trường Cán bộ kiểm sát đã liên tục khai giảng các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ba tháng, sáu tháng để bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về đường lối, nhiệm vụ cách mạng, về Hiến pháp và pháp luật và về nghiệp vụ kiểm sát.
Sự ra đời của Trường Cán bộ kiểm sát năm 1964 có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng của ngành, góp phần đào tạo, bồi dưỡng những lớp cán bộ đầu tiên của ngành Kiểm sát, xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống bài giảng giáo trình cho những năm sau này.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).