Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về vai trò của VKSND góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1964). Trong giai đoạn này, ngành kiểm sát nhân dân tiếp tục xây dựng và kiện toàn tổ chức, bộ máy. 

Bước tiến bộ trong việc chuyển từ công tác công tố sang công tác kiểm sát

Ngày 20/1/1961, VKSND tối cao ban hành Thông tư số 212/V5-PT hướng dẫn việc thành lập VKSND các cấp. Từ ngày 1/1/1961, thành lập VKSND các khu, thành, tỉnh, huyện, thị xã hoặc cấp hành chính tương đương. Thông tư nêu rõ: Việc bãi bỏ các viện công tố, thành lập VKSND địa phương là một công tác rất quan trọng, thi hành đúng Luật Tổ chức VKSND của Nhà nước, đồng thời là thực hiện một chủ trương lớn của Đảng, tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân, làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản. 

Đối với ngành kiểm sát, từ công tác công tố chuyển sang công tác kiểm sát là một bước tiến bộ. Cán bộ ngành kiểm sát nhân dân cần nhận thức ý nghĩa chính trị của việc thành lập VKSND, nắm vững nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, dựa vào quần chúng để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Sau khi có Luật Tổ chức VKSND, VKSND tối cao yêu cầu VKSND các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tổ chức VKSND nói riêng và pháp luật nói chung trong cán bộ kiểm sát và ngoài nhân dân, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về tổ chức và nhiệm vụ của VKSND, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Ngay sau khi thành lập ngành, Lãnh đạo VKSND tối cao chủ trương triển khai hoạt động tuyên truyền pháp luật và tuyên truyền về ngành kiểm sát nhân dân. Ngày 26/2/1961, VKSND tối cao ra một tờ nội san để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn tư tưởng và công tác của ngành. Đó là Tập san Trao đổi kinh nghiệm về công tác kiểm sát do Phòng Tập san - Tuyên truyền thuộc Vụ Nghiên cứu khoa học trực thuộc VKSND tối cao (nay là Viện Khoa học kiểm sát) biên tập và ấn hành với số lượng 500 bản, phát hành định kỳ hai tháng một số. Tập san đã nhanh chóng xây dựng được đội ngũ cộng tác viên đông đảo, có những bài viết phản ánh mọi mặt hoạt động của ngành, trao đổi những kinh nghiệm thiết thực trong công tác, ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của ngành.

Từ tháng 4/1961, VKSND tối cao hướng dẫn VKSND các khu, tỉnh, thành xây dựng thí điểm thông tin viên kiểm sát nhằm giúp cho cơ quan kiểm sát cấp huyện, châu, thị xã cùng cấp ủy địa phương nắm chắc được tình hình vi phạm pháp luật nhà nước và những vi phạm quyền tự do, dân chủ của nhân dân để đề ra biện pháp giải quyết và ngăn chặn kịp thời, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân phấn khởi sản xuất.... 

Tiếp đó, ngày 15/8/1961, VKSND tối cao có Công văn số 2421/V5-PI gửi viện kiểm sát các tỉnh, thành, khu về việc xây dựng thông tin viên kiểm sát trong các nhà máy và khu phố, hướng dẫn cụ thể về tổ chức và đối tượng lựa chọn, tiêu chuẩn lựa chọn thông tin viên kiểm sát trong các nhà máy và khu phố, đề ra nhiệm vụ và lề lối làm việc của các thông tin viên kiểm sát theo nguyên tắc “chịu sự chỉ đạo trực tiếp của VKSND và cấp ủy địa phương”. 

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn đại biểu VKSND tối cao Liên Xô nhân dịp Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: tư liệu)

Là một ngành mới thành lập, việc mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước xã hội chủ nghĩa anh em được Đảng, Chính phủ và ngành kiểm sát nhân dân rất chú ý nhằm học hỏi kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn. Từ ngày 13/7 đến ngày 17/8/1961, VKSND tối cao cử một đoàn cán bộ sang Liên Xô và Trung Quốc để tham quan, nghiên cứu về công tác kiểm sát, nhất là tìm hiểu về tổ chức, nhiệm vụ và phương pháp công tác của viện kiểm sát. Đoàn đã nghiên cứu mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Liên Xô, Trung Quốc, kinh nghiệm của bạn trong việc đấu tranh chống tham ô, lãng phí...

Tháng 10/1961, Đảng đoàn VKSND tối cao đã báo cáo Ban Bí thư về chuyến thăm và làm việc nói trên, kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng pháp luật, tăng cường vai trò và quyền lực của Quốc hội, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng quy chế về giải quyết khiếu nại, tố giác của nhân dân. Đồng thời xin ý kiến Ban Bí thư về một số vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức cán bộ và quan hệ công tác của ngành. VKSND tối cao đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả chuyến thăm và làm việc nêu trên, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét những vấn đề về xác định quan hệ giữa VKSND với các bộ, các cấp hành chính, về quan hệ giữa ngành công an và viện kiểm sát, về tăng cường tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo của ngành kiểm sát.

Tháng 4/1961, Vụ Kiểm sát xét xử, VKSND tối cao có công văn hướng dẫn VKSND các khu, tỉnh, thành phố tổng kết kinh nghiệm công tác kiểm sát xét xử nhằm tiến tới Hội nghị tổng kết công tác kiểm sát xét xử hình sự toàn ngành. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 10/1961, VKSND tối cao quyết định mở Hội nghị tổng kết công tác kiểm sát xét xử hình sự tại Hà Nội từ ngày 3/10 đến ngày 13/10/1961. Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao lập trường tư tưởng, trao đổi các biện pháp đấu tranh chống tội phạm và giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân; nâng cao nhận thức tư tưởng pháp lý xã hội chủ nghĩa, chống quan điểm pháp lý đơn thuần, chuyên môn tách rời chính trị, nâng cao nhận thức chức năng, phương thức công tác, xây dựng nội dung các bước công tác và bồi dưỡng nghiệp vụ.

Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị về chế độ báo cáo xin chỉ thị

Về hoạt động nội bộ ngành, nhằm thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tập trung thống nhất, ngày 6/12/1961, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 01/VP về chế độ báo cáo xin chỉ thị. 

Chỉ thị yêu cầu VKSND các địa phương có trách nhiệm báo cáo VKSND tối cao về tình hình chung và các công tác trung tâm, có nhận xét đánh giá và nêu phương hướng công tác mới theo định kỳ hằng tháng, hằng quý, sáu tháng và hằng năm. Ngoài ra, các địa phương còn phải báo cáo về công tác nghiệp vụ đối với từng khâu cụ thể. Chỉ thị cũng chỉ rõ những vụ việc cụ thể cần báo cáo xin chỉ thị như những vụ việc có tính chất thời sự thuộc phạm vi công tác kiểm sát chung như: thu mua lương thực, bầu cử hội đồng nhân dân, những vụ việc thuộc về hình sự có tính chất quan trọng, có liên quan đến nhiều địa phương, nhiều ngành, có ảnh hưởng lớn, tác hại nhiều như: gián điệp, tổ chức trốn vào miền Nam, gây bạo loạn, tổ chức đảng phái phản động, chống chính quyền, phá hoại lớn gây chết người, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước..., những vụ việc mà VKSND tối cao yêu cầu báo cáo, những chủ trương công tác lớn của địa phương cần có sự hướng dẫn, giúp đỡ của VKSND tối cao.

Ngày 20/7/1962, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục ra Chỉ thị số 09/CT về chế độ báo cáo xin chỉ thị, thống kê (sửa đổi), trong đó quy định rõ ràng, cụ thể về chế độ báo cáo thường kỳ, báo cáo theo từng vụ việc, những vấn đề cần xin chỉ thị VKSND tối cao như về việc bắt, chủ trương truy tố, về nội dung bản luận tội... trong những vụ án quan trọng và những loại vụ việc mới phát sinh chưa có chính sách pháp luật quy định, những vụ có ảnh hưởng chính trị lớn như có liên quan đến linh mục, đến cán bộ trung cấp trở lên, những vụ cần xử mức án tối đa, những vụ truy tố vị thành niên, những vụ chưa có sự thống nhất giữa viện kiểm sát với cấp uỷ về nhận định, về mức độ xử lý. Chỉ thị cũng quy định về chế độ thống kê, thời hạn gửi báo cáo... để các đơn vị trong toàn ngành tổ chức thực hiện, trong đó có quy định riêng đối với cấp huyện và tương đương, đối với Khu tự trị Việt Bắc.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Văn An - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nói chuyện với cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân, năm 2001. (Ảnh: tư liệu)

Trong năm 1961, toàn ngành kiểm sát nhân dân bổ sung được 406 cán bộ, bổ sung viện trưởng cho các thành phố lớn và các khu, tỉnh miền núi như: Hà Nội, Hải Phòng, Khu tự trị Thái - Mèo, Khu tự trị Việt Bắc, các tỉnh Hải Ninh, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang..., bổ sung viện trưởng cho một số đơn vị cấp huyện. Đã giải thể các viện kiểm sát xét xử phúc thẩm ở Hà Nội, Vinh và Hải Phòng. VKSND tối cao và một số viện kiểm sát địa phương đã tổ chức 14 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trung, sơ cấp mới vào ngành, tiến hành tổng kết, xây dựng hai chuyên đề nghiệp vụ về kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử.

Hưởng ứng phong trào thi đua, năm 1961, ngành kiểm sát nhân dân có hai đồng chí được bầu là Chiến sĩ thi đua và được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc, đó là đồng chí Huỳnh Lắm - Vụ trưởng Vụ 3, VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Đức Lương - Kiểm sát viên VKSND Khu tự trị Việt Bắc. Ngoài ra, còn nhiều cá nhân và tập thể xuất sắc được khen thưởng ở cấp ngành.

(Còn tiếp).

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL