Phóng viên: Liên quan đến xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo; Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra một cách thận trọng, bài bản và chặt chẽ . Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh luôn tuân thủ đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc “đúng vai, thuộc bài”, không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng không buông lỏng sự chỉ đạo; tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài, có khó khăn, vướng mắc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, số vụ án tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới có chiều hướng tăng và nhiều vụ viêc liên quan đến cán bộ, đảng viện được phát hiện, xử lý kịp thời. Ban Chỉ đạo nhất quán quan điểm xử lý phải thận trọng, khách quan, toàn diện, vừa nghiêm minh, kịp thời, nhân văn, đúng người, đúng tội, đảm bảo thu hồi tài sản, tạo điều kiện khắc phục thiệt hại cho ngân sách nhà nước, tạo sự răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục phòng ngừa chung.
|
|
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa. |
Phóng viên: Từ 2 vụ án xảy ra tại huyện Yên Định và vụ án Hạc Thành, cũng như các vụ án tham nhũng, kinh tế xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, Thanh Hóa cần rút ra bài học, kinh nghiệm gì trong công tác xây dựng đảng và tổ chức cán bộ, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến: Một là, phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; chú trọng xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn.
Hai là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; cơ chế, chính sách về PCTN, tiêu cực để phát hiện những sơ hở, bất cập, không phù hợp để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, góp phần xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực để bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”.
Ba là, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng.
Bốn là, phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Năm là, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; của nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong PCTN, tiêu cực, nhất là giám sát đối với việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan và người có trách nhiệm, thẩm quyền trong PCTN, tiêu cực nói chung và trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nói riêng.
Phóng viên: Được biết, Thanh Hoá là một trong những địa phương trong cả nước sớm thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực. Ông đánh giá như thế nào kết quả sau 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến: Sau một năm thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh, công tác PCTN, tiêu cực được đẩy mạnh toàn diện, bài bản và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là: Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp về PCTN, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực (2012 - 2022) và các kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định, văn bản pháp luật về PCTN, tiêu cực được đẩy mạnh; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ. Công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả rõ nét, đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên được phát hiện, xử lý; đồng thời yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp kiểm tra, làm rõ và xử lý một số trường hợp cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Ban Chỉ đạo tỉnh đã đưa 15 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến tội phạm tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo được thực hiện kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã tạo sức răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
|
|
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến báo cáo kết quả công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa tại phiên họp thứ 3 của Ban chỉ đạo. |
Phóng viên: Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến: Ban chỉ đạo tiếp tục quán triệt, thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở trong công tác PCTN, tiêu cực. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, tiêu cực. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm quy định về những điều đảng viên không được làm. Triển khai thực hiện Hướng dẫn số 97-HD/BTGTW ngày 08/3/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 12/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh trong chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực. Từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nắm vững, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo tỉnh theo Quy định số 67-QĐ/TW và quy chế làm việc; bảo đảm Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh hoạt động phải “đúng vai, thuộc bài”. Tổ chức triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo thật sự khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh hình thức; chỉ đạo rõ việc, rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, rõ yêu cầu và thời hạn hoàn thành.
Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về một số nội dung công tác phòng, chống tiêu cực ở địa phương, cơ sở, trong đó xác định rõ các vụ án, vụ việc tiêu cực trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định; đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương. Tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ, làm việc cầm chừng, vô trách nhiệm; đồng thời thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội ở địa phương. Chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất của Ban Chỉ đạo. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Rà soát, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát chuyên đề của Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian qua. Tăng cường công tác tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thực hiện nghiêm chủ trương cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục rà soát, đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; xử lý nghiêm minh đồng bộ giữa kỷ luật đảng với xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc “tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm là phải khởi tố, điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”.
Phát huy hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Chỉ đạo tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Nội chính Tỉnh ủy để làm tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương trong tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!