leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng bắt quả tang các đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy.

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, VKSND huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang nhận thấy, trong thời gian qua tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn về ma túy trên địa bàn huyện có nhiều diễn biến phức tạp, với thủ đoạn phạm tội tinh vi.

Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm; việc sử dụng ma túy ngày càng nhiều, các đối tượng phạm tội đa dạng bao gồm cả nữ giới, thanh thiếu niên.

Các ngành chức năng trên địa bàn huyện đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy, đạt được nhiều chuyển biến tích cực; các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án về ma túy, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, các loại tội phạm về ma túy vẫn chưa được khắc phục, ngăn chặn, đẩy lùi triệt để, có xu hướng ngày càng tăng; công tác cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện chưa mang lại hiệu quả, tình trạng tái nghiện vẫn còn diễn ra.

Trước tình hình trên, VKSND huyện Hòn Đất đã ban hành kiến nghị số 01/KN-VKS ngày 8/1/2025 đối với Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất để chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng.

Theo đó chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp trong việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW; Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới.

Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh, các tầng lớp nhân dân về Luật Phòng, chống ma túy; về hậu quả, tác hại của ma túy, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần trách nhiệm tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong nhân dân; kịp thời, cung cấp thông tin về các đối tượng tổ chức mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy cho lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa; không để phát sinh, tái phát các “tụ điểm” về ma túy, đảm bảo giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Hai là, chỉ đạo lực lượng Công an tăng cường tuần tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật, nắm chắc số đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn, tập trung lực lượng, phương tiện và mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy - 26/6”.

Bên cạnh đó cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, quản lý xã hội về an ninh trật tự, nhất là công tác quản lý cư trú, quản lý đối tượng, các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các nhà trọ, quán karaoke,... để chủ động phát hiện tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn và tội phạm ma túy. Chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an huyện phối hợp chặt chẽ với VKSND, Tòa án nhân dân cùng cấp kịp thời khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan tội phạm về ma túy, chú trọng việc xét xử công khai các vụ án ma túy trọng điểm để tuyên truyền, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Ba là, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy; dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiên, phòng tránh tái nghiện; có biện pháp giáo dục, đào tạo nghề có hiệu quả đối với người nghiện, kết hợp giữa điều trị, giáo dục và lao động để sau khi cai nghiện có việc làm ổn định. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu, tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh các cấp; nâng cao chất lượng các việc tuyên truyền về tác hại của ma túy, giáo dục, phổ biến pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy để qua đó nâng cao nhận thức người dân, góp phần đẩy lùi tội phạm về ma túy trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng sau cai nghiện, xóa bỏ tâm lý mặc cảm của người nghiện ma túy sau khi trở về xã hội, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Việt An - Thúy Diễm