leftcenterrightdel
 Nhiều hệ lụy phát sinh liên quan đến hoạt động góp hụi (hình minh họa).

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, hụi là một hình thức giao dịch dân sự về tài sản trên cơ sở thỏa thuận của nhiều người với mục đích tương trợ vốn trong nhân dân để đầu tư sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng vỡ hụi hiện nay đang dần xảy ra nhiều, với thiệt hại tài sản ngày càng lớn, gây mất ổn định kinh tế, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Qua công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án nhân dân huyện từ ngày 01/12/2023 đến 02/5/2024, VKSND huyện Cầu Ngang nhận thấy trên địa bàn phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến hụi, họ, biêu, phường được quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo thống kê, số vụ việc được Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp về nợ họ (nợ hụi) theo pháp luật dân sự là 110 vụ; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cầu Ngang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 1 vụ; chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố 4 vụ.

Hầu hết việc góp hụi trên địa bàn huyện Cầu Ngang đều mang tính chất tự phát. Nhiều vụ, việc đầu thảo không lập danh sách hụi viên cụ thể, rõ ràng, chỉ ghi tên hụi viên; việc giao nhận tiền giữa đầu thảo và hụi viên không có làm biên nhận hay giấy tờ, chứng cứ gì để chứng minh, nên khi xảy ra tranh chấp cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý, dẫn đến vụ việc khiếu kiện, tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện, đồng thời ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Về phía chính quyền địa phương nhiều nơi chưa kịp thời tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ, chưa có biện pháp quản lý hiệu quả việc góp hụi.

Nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thứ nhất là do chủ hụi khi tham gia hụi là nghiêm túc nhưng nhiều hụi viên khi hốt hụi không đóng hụi chết dẫn đến tình trạng chủ hụi mất khả năng thanh toán, phải choàng hụi.

Thứ hai, chủ hụi có sự gian dối từ khi bắt đầu giao dịch hụi như đặt tên khống nhiều phần hụi, tự ý lấy tên các hụi viên là người tham gia các dây hụi để hốt hụi và bán một số phần hụi khống để chiếm đoạt tiền của hụi viên.

Thông thường, các dây hụi với sự tham gia của hàng chục, thậm chí hàng trăm người dân, số tiền chơi hụi của mỗi người tùy theo thời gian hụi ngày, hụi tuần hay hụi tháng, hụi lúa từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng. Khi hụi bị vỡ, chủ hụi chiếm đoạt rồi bỏ đi nơi khác hoặc mất cân đối về tài chính không còn khả năng chi trả là tình trạng phổ biến nhất hiện nay.

Thứ ba, sự hiểu biết và chấp hành quy định pháp luật của các chủ hụi và hụi viên còn nhiều hạn chế. Các chủ hụi tổ chức chơi nhiều dây hụi cùng một lúc với số tiền lớn nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú để quản lý theo dõi. Chủ hụi thường hay tạo cho mình là người có nhiều tài sản như nhà cửa, đất đai, có mối quan hệ làm ăn lớn với nhiều đối tác nên tạo được lòng tin cho các hụi viên... Phần lớn việc thỏa thuận mở hụi, kêu hụi, giao nhận tiền hụi giữa chủ hụi và các hụi viên thường là thỏa thuận miệng dựa trên uy tín, sự tin tưởng lẫn nhau, không lập hợp đồng, sổ sách, chứng từ, ghi chép, theo dõi rõ ràng.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao dịch hụi có mặt còn hạn chế; công tác kiểm tra, quản lý của chính quyền địa phương chưa được thường xuyên, sâu sát.

Do đó, để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trong hoạt động góp hụi, VKSND huyện Cầu Ngang kiến nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến giao dịch hụi, nhằm giúp cho chủ hụi, người chơi hụi hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia giao dịch hụi.

Tăng cường chỉ đạo UBND cấp xã trong công tác quản lý, theo dõi việc đăng ký tham gia giao dịch hụi của người dân theo quy định của Nghị định số:19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường; đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời đối với những trường hợp có hành vi vi phạm theo thẩm quyền; nghiêm cấm tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các vi phạm pháp luật khác, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về hụi, trong đó tập trung tuyên truyền cho người dân, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động khi tham gia góp hụi, làm chủ hụi có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã theo Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường. Tuyên truyền cho người dân nắm rõ về những rủi ro của hoạt động góp hụi; khuyến khích người dân tại địa phương khi cần huy động vốn để sản xuất, kinh doanh cần chủ động liên hệ đến các Tổ chức tín dụng chính thức; trường hợp có điều kiện về kinh tế thì nên gửi tiết kiệm tại Ngân hàng để đảm bảo sự an toàn, hiệu quả kinh tế cao, hạn chế việc góp hụi.

Đồng thời chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn có cơ chế, giải pháp để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, nhất là các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế; có những chính sách, quy định theo hướng mở rộng điều kiện, đối tượng vay, đảm bảo quy trình, thủ tục nhanh, gọn để khuyến khích người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia, hạn chế huy động vốn thông qua hình thức góp hụi.

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở; nâng cao năng lực của hòa giải viên, tổ hòa giải; kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh trong việc góp hụi để chủ động hòa giải những mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh nhằm làm giảm số vụ, việc về tranh chấp hụi tại địa phương.

Việt An - Đức Thắng