Vẫn có biểu hiện chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch

Kể từ khi có ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2, Việt Nam đã khẩn trương, tích cực phòng chống dịch bệnh. Chúng ta đã thực hiện chống dịch rất nghiêm túc và hiệu quả theo phương châm “chống dịch như chống giặc”; cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, kiểm soát được được tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian đầu.

Sau giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch song song với việc phát triển kinh tế để thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Đường phố Hà Nội vẫn đông người dù đang giãn cách. Ảnh Hồng Nguyên.

Thời gian sau này, một số địa phương và người dân bắt đầu có biểu hiện chủ quan, lơ là và xem nhẹ công tác phòng chống dịch. Do không duy trì được tính cảnh giác và tự giác cao độ, lãnh đạo một số địa phương nôn nóng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ trở lại.

Người dân không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch nữa, nên sau khi kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 1 được 99 ngày, thì xảy ra những ca lây nhiễm trong cộng đồng mà tâm dịch là Đà Nẵng.

Giai đoạn tiếp theo, sau khi phong tỏa, xử lý, dập tắt, khống chế được các ổ dịch được 88 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì lại có những ca bệnh nhiễm mới SARS-CoV-2 từ một nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines (bệnh nhân 1.342) thực hiện không nghiêm túc các quy định cách ly tại cơ sở cách ly do Vietnam Airlines quản lý.

Và đặc biệt ổ dịch COVID-19 vào tháng 5/2021 tại quận Gò Vấp – Tp. Hồ Chí Minh do Hội Truyền giáo Phục Hưng gây ra, đã tạo nên sự bùng phát trên diện rộng, lan sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và nhiều địa phương lân cận ở khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ đã khiến dư luận cả nước lo lắng, bất an.

Tính đến ngày 17/8/2021, cả nước đã có 283.696 ca nhiễm COVID-19, với hơn 6.000 ca tử vong. Điểm nóng nhất về dịch hiện nay là TP Hồ Chí Minh với gần 153.000 ca nhiễm, Bình Dương 46.490 ca, Long An, Đồng Nai gần 15.000 ca…

leftcenterrightdel
 Người đàn ông tự xưng tiến sĩ chửi bới, lăng mạ cán bộ chốt kiểm soát chống dịch ở Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip.

Hiện nay dễ dàng bắt gặp rất nhiều người không mang khẩu trang khi đi ra đường hay ở những nơi đông người, hoặc chỉ mang khẩu trang khi qua nơi kiểm soát, sau đó tháo ra. Có rất nhiều các tiểu thương và người đi chợ không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cho rằng đã kiểm soát tốt dịch bệnh nên đã bắt đầu tổ chức các hội nghị, hội thảo hoặc người dân đã tổ chức nhiều tiệc giỗ, cưới, hỏi… với tần suất và quy mô khá lớn.

Ngoài ra, tình hình nhập cảnh trái phép qua các “đường mòn, lối mở” để trốn tránh cách ly theo quy định là rất lớn và rất khó kiểm soát. Điều này, đòi hỏi tất cả mọi người đều phải nêu cao tinh thần cảnh giác, ngoài các lực lượng chức năng, thì người dân phải thông tin và tố giác những người lạ mặt vào địa phương của mình như đã thực hiện trong một số trường hợp nhập cảnh trái phép thời gian vừa qua.

Chống dịch phải quyết liệt hơn

Thực tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục có những diễn biến vô cùng phức tạp. Cho đến thời điểm này khi chúng ta chưa có đủ vắc xin để tiêm cho người dân nhằm tạo miễn dịch cộng đồng thì cách ly, phong tỏa hay giãn cách là những biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vi rút Sars-CoV-2 quái ác lây lan ra cộng đồng.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Do đó, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cần thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc chấp hành của mọi người về phòng chống dịch. Kiểm tra, kiểm soát, tổ chức chặt chẽ quy trình cách ly cũng như quy trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân, tổ chức và xử lý nghiêm mọi vi phạm để công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thực sự có hiệu quả; góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Cùng với các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19, mới đây  Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Nghị quyết 86 là bước cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Nghị quyết tiếp tục khẳng định một cách đúng đắn rằng vắc xin là chìa khóa then chốt để khống chế dịch COVID-19 ở nước ta. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều đã và đang tập trung tìm kiếm nguồn vắc xin cho người dân từ rất sớm, rất quyết liệt và khẳng định vắc xin là miễn phí.

Đặc biệt trong Nghị quyết 86, Chính phủ cũng đã quyết nghị về các cơ chế, chính sách đặc thù để xúc tiến nhanh chóng việc nhập vắc xin, thuốc điều trị từ nước ngoài và đẩy nhanh việc tự sản xuất vắc xin trong nước. Hiện Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng 3 loại vắc xin. Nếu mọi việc suôn sẻ, tháng 9 này Việt Nam sẽ có vắc xin sản xuất trong nước.

leftcenterrightdel
Vắc xin là chìa khóa then chốt để khống chế dịch COVID-19 ở nước ta. Ảnh Tiền phong.

Các địa phương phải chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn, nhằm phát hiện F0 nhanh nhất, phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Trong cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Y tế xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó, báo cáo Thủ tướng. UBND cấp tỉnh cũng phải xây dựng các kịch bản tương tự theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần mạnh tay hơn nữa với các đối tượng có hành vi “vi phạm kép”, Cần sửa đổi, bổ sung, tăng chế tài xử phạt các hành vi chống đối. Các cơ quan tố tụng tiếp tục đẩy nhanh công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc theo thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự.

Ngăn chặn COVID-19 có hiệu quả quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người, bởi suy cho cùng, ngay cả có tiêm đủ vắc xin cho mọi người thì cũng không thể ngăn chặn tuyệt đối sự lây lan của vi rút Sars-CoV-2 với nhiều biến thể nguy hiểm. Chính vì vậy chỉ ý thức công dân, ý thức cộng đồng mới là “vắc xin” hữu hiệu nhất ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho toàn xã hội.

Thắng Cảnh