Xung quanh việc một bệnh nhân bị mổ… 'nhầm'!
Cập nhật lúc 19:18, Thứ sáu, 18/10/2013 (GMT+7)
Sau khi được chẩn đoán bị lủng dạ dày, bệnh nhân Nguyễn Huy Hoàng (43 tuổi, ngụ tại tổ 6B, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) được các bác sĩ Bệnh viện II Lâm Đồng tiến hành phẫu thuật. Nhưng, khi tiến hành mổ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân Hoàng lại bị dập, vỡ mạc treo ruột non. Hiện, anh Hoàng đã được người nhà chuyển tới Bệnh viện Trưng Vương (quận 10, TP Hồ Chí Minh) để điều trị trong tình trạng sức khỏe chưa ổn định. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Sau khi được chẩn đoán bị lủng dạ dày, bệnh nhân Nguyễn Huy Hoàng (43 tuổi, ngụ tại tổ 6B, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) được các bác sĩ Bệnh viện II Lâm Đồng tiến hành phẫu thuật. Nhưng, khi tiến hành mổ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân Hoàng lại bị dập, vỡ mạc treo ruột non. Hiện, anh Hoàng đã được người nhà chuyển tới Bệnh viện Trưng Vương (quận 10, TP Hồ Chí Minh) để điều trị trong tình trạng sức khỏe chưa ổn định.
Vì sao trước khi mổ, bệnh nhân chỉ được chụp phim mà không siêu âm? Lý giải vấn đề này, bác sĩ Hoàng Đăng Sơn (Trưởng khoa phẫu thuật) cho biết: “Tùy từng ca mổ và tùy từng bệnh nhân mà các bác sĩ xem xét có nên siêu âm hoặc citi hay không. Riêng đối với bệnh nhân Hoàng, anh đã được một bác sĩ phòng khám tư siêu âm nên chúng tôi chỉ căn cứ vào kết quả đó và không siêu âm lại là điều đương nhiên”.
Sau ca mổ, sức khỏe của anh Hoàng không ổn nên gia đình xin chuyển viện đi TP Hồ Chí Minh để điều trị. Chị Lê Thị Kim Phượng (vợ anh Hoàng) cho biết: “Sau khi mổ, sức khỏe của chồng tôi càng ngày càng yếu, da và mắt vàng. Suốt cả 3 ngày, chồng tôi không ăn uống và không đi đại tiện, bụng ngày càng chướng to ra. Lo lắng cho chồng, tôi xin chuyển viện nhưng bác sĩ không đồng ý với lý do bệnh nhân có thể điều trị tại bệnh viện, nếu muốn thì gia đình tự chuyển. Tối 9/10, tôi phải ký giấy xin tự túc đưa chồng tôi về TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị. Khi đi, tôi có xin bệnh án và giấy chuyển viện để thuận tiện cho việc chồng tôi nhập viện và điều trị. Thế nhưng, bệnh viện không đồng ý mà chỉ đưa cho tôi một giấy giới thiệu”.
Giải thích về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Hoàng sau ca mổ, bác sĩ Sơn cho rằng: “Đối với một bệnh nhân sau khi phẫu thuật, trong vòng 48 tiếng đồng hồ mà không ăn uống, không trung tiện là việc bình thường. Còn sức khỏe của bệnh nhân Hoàng có suy giảm sau khi mổ, có lẽ bị suy gan do dị ứng với thuốc gây mê. Hơn nữa, khi xét nghiệm, chúng tôi phát hiện bệnh nhân bị viêm gan cấp nên đang theo dõi và điều trị!”.
Anh Hoàng được gia đình đưa đến Bệnh viện Trưng Vương, TP Hồ Chí Minh. Các bác sĩ đã yêu cầu gia đình cung cấp bệnh án và giấy chuyển viện từ Bệnh viện II Lâm Đồng để tiện theo dõi bệnh tình của anh Hoàng. Chị Phượng cho biết: “Từ ngày chồng tôi chuyển viện xuống đây, người nhà đã 2 lần lên Bệnh viện II Lâm Đồng xin các giấy tờ cần thiết nhưng không được!”. Theo bác sĩ Sơn, bệnh án chỉ được cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra và xét xử. Còn bác sĩ Minh cho rằng: “Đối với bệnh nhân Hoàng, do người nhà xin chuyển viện theo yêu cầu, nên chúng tôi không thể cung cấp giấy chuyển viện cho họ!”. Song, theo bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng - Trưởng phòng KHTH Bệnh viện II, đối với bệnh nhân xin chuyển viện tự túc, nếu có yêu cầu xin giấy chuyển viện thì bệnh viện phải có trách nhiệm cung cấp cho họ.
Chị Phượng cho biết: “Lần thứ 3 người nhà tôi trở lại Bệnh viện II Lâm Đồng vào ngày 15/10 thì mới lấy được giấy chuyển viện và bệnh án. Trong khi đó, kết luận của các bác sĩ tại Bệnh viện Trưng Vương lại cho rằng, bệnh nhân Hoàng không bị lủng dạ dày hoặc dập mạc treo ruột non như chẩn đoán của Bệnh viện II Lâm Đồng. Bụng bị chướng hơi do vết mổ cũ. Hiện, anh Hoàng vẫn chưa ăn uống trở lại và đang tiếp tục được theo dõi”.
Theo Báo Lâm Đồng