(BVPL) - Bỏng là tai nạn thường gặp ở các bé vì các bé vốn rất hiếu động, tò mò khám phá những điều xung quanh. Nhiều khi bị cha mẹ cấm đoán lại thôi thúc các bé tìm hiểu.
Xử lý tốt khi bé vừa bị bỏng sẽ giảm được các di chứng và giúp vết bỏng của bé mau lành hơn. Tùy vào tác nhân gây bỏng khác nhau mà kích thước vết bỏng khác nhau và ở nhiều mức độ tổn thương khác nhau.
|
Các bé hay tò mò, thích khám phá nên dễ bị bỏng |
Tác nhân có thể là một vật nóng như ống bô xe máy, bàn ủi, chảo nóng; nước nóng như nước sôi, trà nóng và dung dịch khác như dầu thoa (bỏng tinh dầu), dầu ăn, cồn (rượu),...
1. Có 3 mức độ bỏng thường gặp:
Mức độ 1: Khu vực bị bỏng trở nên đỏ và nóng rang
Mức độ 2: Khu vực bị bỏng đỏ, nhưng có xuất hiện bóng nước và bị phồng lên, những chỗ phồng có màu sáng màu hơn
Mức độ 3: Vùng da vết bỏng bị tổn thương thực thể sâu, xuất hiện nhiều lớp da, hoặc nhiều vùng màu sắc khác nhau
Mức đô này phục thuộc vào tác nhân gây bỏng (bỏng dung dịch gây tổn thương nhiều hơn bỏng vật nóng), thời gian tiếp xúc với chất gây bỏng.
Các bước làm lành vết bỏng
Bước 1. Khi bé bị bỏng, ngay lập tức cho vùng bé bị bỏng dưới vòi nước chảy ít nhất là mười phút liên tục.
Nếu vùng bỏng có da bị bong tróc thì để vòi nước trên vùng da lành để nước chảy qua vùng bỏng ít nhất hai mươi phút. Bước này rất quan trọng. Mục đích của bước này là giúp làm nguội vết thương, không gây tổn thương tiếp tục, bảo vệ vùng da lành, và góp phần làm lành vết thương nhanh hơn.
|
Đưa vết bỏng của bé vào dưới vào nước chảy càng nhanh càng tốt |
Bước này chỉ thành công khi đưa vết bỏng vào vòi nước chảy càng nhanh càng tốt, và phải đúng thời gian như trên.
Bước 2: Sau bước 1, dùng 1 tấm nilon sạch (tốt nhất là dùng film nilon trong che đậy thức ăn) phủ lên vùng vết thương. Dùng băng dính dán cố định ở các đầu. Nên làm bước này (đặc biệt đối với các bé nhỏ và các vết thương ở cấp độ 2 và 3) vì nó sẽ giúp giữ ấm vết thương và hạn chế vi khuẩn có cơ hội xâm nhập.
|
Dùng tấm nilon trong phủ lên vết thương của bé để hạn chế vi khuẩn có cơ hội xâm nhập |
Bước 3: Đánh giá vết bỏng
* Nếu vết bỏng ở mức độ 1 và 2 thì có thể xử lý và chữa trị tại nhà. Tuy nhiên, theo Gs.Bs.Sears, nếu khu vực vết bỏng lớn như ở toàn vùng lưng, vùng bụng, vùng mông và bộ phận sinh dục thì nên gọi cấp cứu ngay dù ở mức độ 1.
* Nếu vết bỏng ở mức độ 3 thì nên cho bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
2. Dinh dưỡng cho bé bị bỏng
Để vết bỏng mau lành, bé cần có chế độ ăn đầy đủ chất đạm và các vitamin quan trọng như Vitamin C, E, A, và kẽm.
- Nguồn chất đạm có trong: thịt, cá, trứng, sữa
- Nguồn vitamin được lấy: từ rau củ quả (cam, dâu tây, kiwi, bơ)
- Nguồn khác như: kem tươi, sữa chua.
|
Nên cho bé chế độ dinh dưỡng hợp lý để vết bỏng bé mau lành |
3. Các cách xử lý sai:
Dưới đây là những xử lý sai, cha mẹ nên tránh vì sẽ làm tình trạng của bé thêm bị viêm nhiễm và sẽ khó lành vết thương hơn:
+ Cho vết bỏng ngâm vào nước đá hoặc dùng đá đắp lên vết bỏng.
|
Không nên đế đá vào vết bỏng |
+ Bôi kem đánh răng, dầu, mỡ, bơ (thậm chí nước mắm) lên vết bỏng.
|
Không bôi kem đánh răng lên vết bỏng |
4. Xử lý bôi thuốc đúng cách
Bôi thuốc sau khi cha mẹ làm xong bước 1. Thật ra, việc bôi thuốc là không cần thiết.
Các bé dưới 1 tuổi nên được tư vấn bởi chuyên gia sức khỏe trước khi dùng thuốc bôi.
Các bé dưới 1 tuổi khi bị bỏng cấp độ 1, sau khi được xử lý bước 1 với nước cha mẹ có thể đắp lá sống đời hoặc lô hội hoặc kem có 100% chiết xuất từ lá lô hội. Đắp vài lần trong ngày. Đồng thời vẩn quấn lớp film nilon để giữ sạch và hạn chế tình trạng bé hay cọ xát làm vết thương tồi tệ.
Thời gian dùng là vài ngày.
|
Các mẹ có thể đắp lô hội (nha đam) lên vết bỏng cho bé |
Mức độ 2 & 3: Cha mẹ có thể cho bé dùng 1 số thuốc kem bôi như Silvadene, tuy nhiên đối với các bé dưới 1 tuổi thì nên nhờ sự tư vấn của chuyên gia sức khỏe. Và khi dùng thuốc bôi thì cha mẹ nên hỏi bác sĩ thời gian bôi thuốc là trong bao lâu thì ngưng. Trong trường hợp quên hỏi thì cha mẹ có thể quan sát vết bỏng của con: nếu làn da màu đỏ bên dưới trở nên sáng màu hơn và chuyển sang hồng thì nên ngưng dùng thuốc bôi và cũng không cần che đậy vết bỏng bằng nilon nữa.
Thời gian thông thường là 2-3 tuần cho hầu hết các vết bỏng, và sẽ tự lành tùy mức độ.
|
Có thể dùng kem Silvadene |
5. Khi nào cần gọi chuyên gia sức khỏe ngay
* Khi vết bỏng của bé chuyển dần từ mức độ một, sang mức độ 2 và 3 sau 24-48 tiếng mà không có dấu hiệu lành
* Khi bé khóc, bỏ ăn bỏ bú
* Khi bé sốt, mệt mỏi, buồn ngủ
* Khi bé bị tiêu chảy và ói
Theo nguồn: Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (Worcester, Worcestershire)
Xuân Anh Lê ghi