Bộ Y tế cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) hôm nay (14/8).

Dịch COVID-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng

Ngoài ra, công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ Y tế đã cử tất cả các đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện, phối hợp, hỗ trợ địa phương. Tất cả các trang thiết bị cần thiết đều được đưa vào để phục vụ điều trị.

leftcenterrightdel
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng ngại . (ảnh: VGP)

Tuy nhiên, theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, do đợt này, dịch COVID-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc. Mắc thêm COVID-19 chỉ như giọt nước tràn ly. Nên mặc dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi.

Đối với chùm ca bệnh ở Hải Dương, ông cho biết rất đáng ngại và hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gen virus gây bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Kết quả sẽ có sau một vài ngày.

Còn theo Ban Chỉ đạo, việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo đã được đưa ra trên cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người nhưng người phục vụ, khách hàng đều không đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.

Để chủ động kiểm soát tình hình, tỉnh Hải Dương ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp mạnh, tổ chức cách ly thành phố Hải Dương, tạm dừng nhiều hoạt động,... Đây là những biện pháp rất cần thiết và kịp thời. Bộ Y tế đã phối hợp sát sao với tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó và sẽ hỗ trợ Hải Dương trong công tác truy vết, tổ chức cách ly, lấy mẫu trên diện rộng, tiến hành xét nghiệm thật nhanh để ngăn chặn dịch.

Đánh giá diễn biến dịch bệnh trong cả nước, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định: Có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ “không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa”. Không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch. Bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương. Hôm nay dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác…

Đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới

Do đó, Ban Chỉ đạo khẳng định, chiến lược chống dịch của chúng ta là chiến dịch của nước còn nghèo. Cả cộng đồng phải chung sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng.

leftcenterrightdel
Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới. (ảnh:VGP) 

Phương châm phòng chống dịch của chúng ta là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thực hiện từ đầu đến giờ vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng ta phải triển khai đồng bộ các biện pháp để “chung sống an toàn với dịch”.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong đợt dịch này, ở nhiều nơi, cả chính quyền lẫn người dân, có biểu hiện chủ quan, ứng phó đủng đỉnh, chưa thực sự vào cuộc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “mỗi người dân là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xã là một pháo đài chống dịch”.

Tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới để chỉ đạo các địa phương và người dân triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch trong thời gian tới.

Theo đó, chúng ta cần phải nâng mức cảnh báo. Chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là; phải chuyển sang trạng thái ứng phó mạnh mẽ hơn; siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Mỗi cấp chính quyền phải có phương án chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có tình huống dịch bùng phát. Đặc biệt, cần “cột chặt trách nhiệm của người đứng đầu các cấp” trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với người dân, Ban Chỉ đạo kêu gọi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch như: Hạn chế đi ra đường nếu không cần thiết; nếu đi ra nơi công cộng thì phải thường xuyên đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tiếp xúc,… Mỗi người dân cần thay đổi thói quen để “chung sống an toàn với dịch bệnh”. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân mình, với gia đình mình, mà rộng ra là trách nhiệm với xã hội, đất nước.

Minh Nhật