Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo cơ quan chủ trì xây dựng, sau 30 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi; tuy nhiên, sang đến năm 2021, tuổi thọ trung bình đã giảm nhẹ xuống còn 73,6 tuổi do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được cải thiện; tỉ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng như tỉ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm và đã đạt được mục tiêu Phát triển Thiên niên Kỷ và đúng tiến độ trong thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi cũng giảm tương ứng từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,9% năm 2022…
Bên cạnh các thành công đã đạt được, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng còn nhiều tồn tại, bất cập đó là chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật. Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2, tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Cùng với đó, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc (tính bằng DALYs) và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện cho thấy: Có 20,8% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên hiện đang hút thuốc; gần 2/3 nam giới (64,2%), 1/10 nữ giới (9,8%) hiện có uống rượu, bia. Khoảng 14,7% số người uống rượu, bia ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên) và tỉ lệ này ở nam giới (28,5%) cao hơn nhiều lần so với nữ giới (1,0%); khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị; mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp; gần 1/5 dân số (19,5%) bị thừa cân; khoảng 44,1% người trưởng thành có mức cholesterol toàn phần trong máu cao ≥5,0mmol/L hoặc hiện đang dùng thuốc điều trị tăng cholesterol.
Số liệu về mô hình tử vong cũng cho thấy gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm chiếm tỉ trọng cao nhất, 73,66% số ca mắc và 78,6% số ca tử vong năm 2020.
Mặt khác, môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất, bên cạnh đó ở một số vùng khó khăn nhiều hộ gia đình còn chưa tiếp cận được với các điều kiện vệ sinh cơ bản như nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh… Các vấn đề này đã tác động trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người dân và cộng đồng.
Ngoài những nguyên nhân khách quan thì còn có yếu tố chủ quan là ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế. Nhiều hành vi có lợi cho sức khỏe chưa được người dân quan tâm và thực hiện thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gia tăng các bệnh tật. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, bão lụt… ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư, góp phần làm gia tăng các trường hợp nhập viện.
Bên cạnh đó, tổng kết 15 năm thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho thấy công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn nhiều bất cập nhưng chủ yếu là các bất cập xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, đó là nhận thức của người dân còn hạn chế; đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý; vấn đề về nguồn lực tài chính…
Xuất phát từ các lý do nêu trên, theo Bộ Y tế, việc xây dựng một đạo luật mới với phạm vi điều chỉnh gồm các quy định về nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần); phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân để thể chế hóa quan điểm của Đảng và giải quyết các khoảng trống về pháp luật các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe đồng thời thay thế Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn phù hợp, không gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Về mục tiêu tổng quát, việc xây dựng Luật nhằm góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể là kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỉ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.
Ngoài các nội dung trên, đề nghị xây dựng Luật đã đề cập đến các chính sách, bao gồm: Bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch; dinh dưỡng với sức khỏe; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe đối với người dân.