Việt Nam đang dẫn đầu về hiệu quả kiểm soát dịch bệnh SARS-CoV với số lượng ca nhiễm coronavirus thấp nhờ nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ cùng tinh thần đoàn kết, hợp tác của người dân.

Nhận định trên là của Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố trong buổi họp báo sáng 21/4, theo Sputnik.

Cũng theo Sputnik, sáng 21/4, Bộ Y tế Việt Nam cập nhật tình hình chống dịch COVID-19 cho hay, Việt Nam đã có 5 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc nCoV mới, trong khi có 215/268 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được chữa khỏi (chiếm 80% tổng số ca mắc SARS-CoV-2). Tín hiệu rất lạc quan, nhưng Việt Nam không được chủ quan.

Sputnik dẫn  báo cáo sáng 21/4 của Bộ Y tế Việt Nam, nói, đã bước sang ngày thứ 5 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm coronavirus mới, số ca nhiễm dừng lại ở con số 268 trường hợp và  không có trường hợp tử vong. Số ca bệnh mắc mới COVID-19 tại Việt Nam giảm dần từ khi thực hiện chính sách giãn cách xã hội. Từ ngày 1-14/4, số ca mắc mới giảm 40% so với 2 tuần trước đó.

Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch chiều ngày 20/4 cho biết, tại Việt Nam, trong tuần qua chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc mới, trong khi đó có 64 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

leftcenterrightdel
 Việt Nam được thế giới đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch.

Số mắc mới trong tuần cao nhất được ghi nhận vào ngày 13/4 với 5 trường hợp, 3 ngày sau đó mỗi ngày chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp và liên tiếp 5 ngày từ ngày 17/4 đến 6h ngày 21/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới. Điều đó cho thấy tình hình dịch hiện nay tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.

Về tình hình điều trị, bệnh nhân 188 vẫn được tính là đã khỏi bệnh và đang được theo dõi sau 14 ngày kết thúc điều trị. Xét nghiệm bằng phương pháp Real Time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 19/4 đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

53 bệnh nhân mắc coronavirus còn lại của Việt Nam đang được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế (trong đó riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh có đông bệnh nhân nhất với 44 trường hợp). Đa số bệnh nhân đều có tình trạng sức khoẻ ổn định. Số ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 là 21 người, trong đó 14 trường hợp đã âm tính lần đầu tiên và 7 trường hợp đã ít nhất hai lần có kết quả xét nghiệm khẳng định không còn dương tính với nCoV.

Trong khi đó, sức khỏe bệnh nhân số 91 (nam phi công người Anh của Hãng Hàng không Vietnam Airlines) đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, có diễn tiến tích cực. Hiện tại, bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch huyết áp bình thường. Đặc biệt, chức năng phổi của người bệnh có cải thiện khá hơn sau tập vật lý trị liệu hô hấp.

Chiều 16/4, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành trao tặng vật tư y tế cho Mỹ và Nhật Bản phục vụ công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Phó Đại sứ Nhật Bản và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đều phát biểu, đánh giá cao công tác ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam trong thời gian qua, và nhấn mạnh, nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 của Hà Nội hình mẫu phòng chống dịch được nhiều nước tham khảo.

Nhận định về cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, nhiều chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế đều đồng thuận cho rằng, Việt Nam ứng phó với dịch bệnh rất tốt, chưa có trường hợp tử vong, mức độ lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng thấp.

Chia sẻ về ấn tượng với công tác phòng chống dịch bệnh SARS-CoV-2 tại Việt Nam, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế CSIS – bà Amy Searight biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực đối phó với dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

leftcenterrightdel
Truyền thông quốc tế đánh gia cao mô hình "ATM gạo" đầy tính nhân văn tại Việt Nam. Nguồn: TTXVN/Sputnik. 

Theo bà Amy Searight, khu vực các quốc gia Đông Nam Á cùng nhiều nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch do coronavirus gây ra. Tuần qua, số ca nhiễm tăng cao ở các nước ASEAN tyuy nhiên tại Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm bệnh mới hàng ngày giảm. "Cùng với Thái Lan, đây là hai quốc gia đang có tiến triển trong việc làm phẳng đường cong diễn biến dịch bệnh Covid-19", bà Amy Searight nói.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, Việt Nam đã sớm thực hiện các biện pháp ứng phó và kiểm soát ban đầu ngay khi dịch bệnh bùng phát dịch và dường như đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Bà Amy Searight nêu rõ, cả Việt Nam đã thực hiện giám sát chặt chẽ, truy tìm nguồn lây, người tiếp xúc và nhanh chóng cách ly người bệnh hoặc cùng những người từng tiếp xúc với nguồn bệnh theo các cách khác nhau.

Theo Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), Việt Nam đã đối phó với dịch bệnh rất tốt khi chỉ có 268 ca nhiễm nCoV trên dân số 95,5 triệu người và chưa có trường hợp tử vong nào. Ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu và trường học cũng như tiến hành chế độ cách ly quy mô lớn.

Công tác theo dõi, cách ly, giám sát được tăng cường nhằm giúp phát hiện sớm người nhiễm bệnh và những người từng tiếp xúc với nguồn bệnh. Chính phủ Việt Nam cũng huy động các y bác sỹ đã về hưu và các sinh viên trường y tham gia chống dịch, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đã triển khai các ATM phát gạo hỗ trợ những đối tượng gặp nhiều khó khăn, bà Searight phân tích.

“Việt Nam từng chịu ảnh hưởng bởi dịch SARS năm 2003 và do đó quyết tâm chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết liệt hơn cho đại dịch tiếp theo. Chính phủ Việt Nam được quản lý tập trung, đoàn kết và được tổ chức tốt. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với người dân trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh Covid-19”, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.

“Việt Nam cho thấy sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện những quyết sách và biện pháp kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Theo chúng tôi ghi nhận, Việt Nam đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện đúng với những gì đã tiên lượng trước với nhiều quyết sách phù hợp trong mỗi giai đoạn”, New York Times dẫn phát biểu của ông Takeshi Kasai khẳng định.

Trong khi đó, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO Takeshi Kasai, phát biểu tại họp báo sáng nay 21/4 cũng đánh giá cao công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam. 

Ông Takeshi Kasai nhấn mạnh, điều quan trọng là Việt Nam đã luôn học hỏi và cập nhật kế hoạch ứng phó dịch bệnh do coronavirus theo từng diễn biến mới, không chỉ thực hiện xét nghiệm mà còn thực hiện tốt việc truy tìm các đối tượng tiếp xúc với người bệnh lây nhiễm nCoV. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, cuộc chiến chống Covid-19 còn rất lâu dài, Việt Nam phải luôn sẵn sàng trước làn sóng thứ hai và mỗi chúng ta phải tìm ra cách thích nghi với tình hình hiện nay.

Ông Takeshi Kasai cũng lưu ý Chính phủ Việt Nam nên cẩn trọng khi xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, không nên dỡ bỏ đồng loạt tất cả các biện pháp cùng một thời điểm, có thể sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khi đó, mọi nỗ lực của Chính phủ và sự cố gắng của người dân thời gian qua sẽ “đổ sông đổ bể”.

“Việt Nam nên thực hiện nới lỏng từng bước một và luôn phải sẵn sàng cho làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 có thể ập đến bất kì lúc nào”, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO lưu ý.

Huy Anh