Những ngày qua, thông tin về việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phát hiện cấp trùng 770.000 thẻ BHYT đã dấy lên những bức xúc và lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp trùng số lượng thẻ BHYT lớn như vậy không chỉ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra sự mất công bằng trong khám chữa bệnh.
 
 
Con số giật mình
 
Số liệu trên do chính cơ quan BHXH Việt Nam công bố tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Luật BHYT và tại buổi Mít tinh hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam diễn ra đầu tháng này (1-7-2013). Theo đó, tính từ 1-7-2009 đến năm 2011, qua rà soát tại 40 địa phương, BHXH Việt Nam đã phát hiện có tới 770.000 thẻ BHYT bị cấp trùng. Tình trạng một người nhưng sở hữu 2 thẻ BHYT là khá phổ biến, thậm chí có trường hợp có tới 6 thẻ. Nguyên nhân được BHXH Việt Nam xác định là do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có trách nhiệm lập hồ sơ, danh sách và cấp phát thẻ BHYT chưa tốt, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cũng chưa chủ động cùng phối hợp với BHXH. Thậm chí, cùng một đối tượng do ngành lao động quản lý nhưng vẫn bị trùng do các ngành chưa hệ thống được. 
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT- BHXH Việt Nam cho biết, do ở nước ta hiện nay chưa quy định rõ trách nhiệm về một đầu mối cấp thẻ BHYT cho nên các nhóm đối tượng khác nhau sẽ do các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nhau thống kê, lập danh sách kê khai. Cơ quan BHXH thống kê, tổng hợp danh sách từ các đơn vị đó và thực hiện cấp thẻ, do vậy việc cấp trùng là khó tránh khỏi. Ông Sơn cũng cho rằng, nếu có phần mềm để loại trừ các đối tượng thì sẽ hạn chế được việc trùng lặp thẻ.
 
Theo cơ quan BHXH Việt Nam, 3 đối tượng bị cấp trùng nhiều thẻ BHYT nhất là: trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và người dân tộc thiểu số sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại là 2 địa phương cấp trùng nhiều nhất, trong đó Hà Nội là 52.000 thẻ, TP Hồ Chí Minh 42.000 thẻ. Hiện Bộ Tài chính đã hướng dẫn Sở Tài chính các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát số thẻ BHYT bị cấp trùng, thực hiện hoàn trả về Ngân sách Nhà nước số tiền bị “rót nhầm”. 
 
Trách nhiệm không chỉ thuộc ngành BHXH
 
Nhiều ý kiến cho rằng, với việc các địa phương cấp trùng số lượng lớn thẻ BHYT như vậy, trị giá mỗi thẻ BHYT theo mức đóng hiện nay là 450.000 đồng, thì số tiền thất thoát từ ngân sách nhà nước lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí về thời gian và tiền của cho công việc lập danh sách, cấp phát thẻ, thu hồi, in ấn đổi thẻ… cũng lên đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, số thẻ bị cấp trùng này không phải là thất thoát bởi một người dù được cấp cùng lúc vài thẻ BHYT nhưng khi đi khám chữa bệnh vẫn chỉ được thanh toán ở một mức nhất định. 
 
Là một trong 2 địa phương cấp trùng nhiều thẻ BHYT nhất, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết, hiện đoàn thanh tra của Bộ Tài chính đang làm việc với BHXH Hà Nội về vấn đề này, khi có kết luận lúc đó mới công bố và có hướng xử lý, giải quyết cụ thể. Trao đổi với ANTĐ ngày 25-7, ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, khó có thể xác định được chính xác khoản tiền thất thoát do việc cấp trùng thẻ BHYT gây ra bởi sau khi rà soát, khoản tiền từ những thẻ bị cấp trùng sẽ được thu hồi về ngân sách nhà nước. Hơn nữa, số tiền đã “rót nhầm” cho các thẻ BHYT bị cấp trùng này cũng đều chi vào cho quỹ khám chữa bệnh chứ không do cơ quan BHXH hay ngành nào nắm giữ. 
 
Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Hòa cũng thẳng thắn cho rằng, việc các cơ quan cấp trùng thẻ BHYT là có sai phạm và phải chịu trách nhiệm về việc này. Ở đây, trách nhiệm không chỉ thuộc cơ quan cấp phát thẻ là BHXH mà các cơ quan lên danh sách, kê khai đối tượng, các đơn vị chưa chủ động phối hợp trong công tác này… cũng đều phải chịu trách nhiệm. Lý do như đã phân tích, khi các cơ quan, đơn vị đã kê khai danh sách các đối tượng cần cấp thẻ BHYT và gửi về BHXH thì BHXH xác nhận và không có quyền từ chối việc cấp thẻ cho những đối tượng này.
 
Như vậy, đến lúc này, đại diện BHXH vẫn khẳng định, số kinh phí “rót nhầm” cho thẻ BHYT bị cấp trùng sẽ không bị thất thoát mà đều được thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước. Song có một điều chắc chắn là việc thu hồi sẽ rất khó khăn khi mà số kinh phí này đã được phân bổ về cho các BV, tính vào quỹ khám chữa bệnh BHYT cho các BV mỗi năm.
 
Theo Nguyễn Phan
An Ninh Thủ Đô
.