Việt Nam tiến tới loại bỏ tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2030
Cập nhật lúc 22:57, Thứ sáu, 17/02/2017 (GMT+7)
Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Điều phối viên Phong trào thúc đẩy dinh dưỡng (SUN) vừa có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để thảo luận về tiến bộ đạt được nhằm loại bỏ tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2030. (Phó Thủ tướng, suy dinh dưỡng, Vũ Đức Đam, Việt Nam)
Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Điều phối viên Phong trào thúc đẩy dinh dưỡng (SUN) vừa có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để thảo luận về tiến bộ đạt được nhằm loại bỏ tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2030.
Trong cuộc họp song phương với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Điều phối viên phong trào thúc đẩy Dinh dưỡng (SUN) và Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc - bà Gerda Verburg đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng dinh dưỡng tiếp tục kiên quyết thực hiện các cam kết của mình nhằm đẩy lùi tình trạng suy dinh dưỡng tại Việt Nam.
Đánh giá lại tiến trình trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng và cả thừa dinh dưỡng của Việt Nam kể từ khi tham gia phong trào, bà Gerda Verburg đã nhận xét Việt Nam là một ví dụ mạnh mẽ về việc cam kết của Chính phủ có thể truyền cảm hứng cho mọi người triển khai hành động về dinh dưỡng, thúc đẩy bình đẳng giới, và nâng cao sức khỏe của trẻ em bằng cách kéo dài thời gian nghỉ thai sản và chính sách cho con bú bằng sữa mẹ.
Bà Gerda Verburg cũng chúc mừng Việt Nam đã thay đổi kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên sáu tháng, đảm bảo các quy định cập nhật về việc tiếp thị và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ và các sản phẩm thức ăn cho trẻ em, ngoài việc tăng cường các thực phẩm bắt buộc.
Kinh nghiệm của Việt Nam đã được chia sẻ rộng rãi trên toàn cộng đồng các quốc gia tham gia Phong trào SUN. Xa hơn nữa, kinh nghiệm này đã được áp dụng cho những chính sách đáng chú ý liên quan đến việc cho con bú bằng sữa mẹ và bảo vệ thai sản ở một số nước như Campuchia, Indonesia và Myanmar.
"Xem xét và đánh giá cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 và thực hiện Chương trình Liên hợp quốc về hành động dinh dưỡng trong thập kỷ (2016-2025), tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được những bước tiến lớn trong việc đảm bảo rằng tất cả các Mục tiêu phát triển bền vững sẽ được hoàn thành, bằng cách tận dụng năng lực của tất cả các Bộ ban ngành nhằm triển khai Chiến lược dinh dưỡng quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng của Việt Nam," Bà Verburg cho biết.
Trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sự sẵn sàng mạnh mẽ của Chính phủ nhằm hướng tới việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển năm 2030 và tích hợp thành công lộ trình đầy tham vọng này vào Nghị quyết Quốc hội và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ.
Phó Thủ tướng cho hay: "Trong nhiều năm qua Việt Nam đã tập trung mọi nỗ lực để đảm bảo việc sản xuất lương thực và an ninh lương thực cho nhân dân. Nhưng hiện nay đòi hỏi những cố gắng cao hơn nữa để có thể đảm bảo dinh dưỡng cho các thế hệ tương lai của đất nước thông qua việc giải quyết tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt trong 1.000 ngày đầu của trẻ sơ sinh. Điều này sẽ giúp cho dân tộc chúng tôi phát triển nhanh hơn.”
Bà Verburg kết luận cuộc họp song phương bằng cách tái khẳng định với Phó Thủ tướng rằng Phong trào SUN, cũng như toàn bộ hệ thống hỗ trợ của phong trào, sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và bất kỳ sự giúp đỡ cần thiết nào trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng.
Bà Verburg đang thăm các nước Đông Nam Á tham gia Phong trào SUN để thảo luận làm thế nào đẩy mạnh tiến bộ trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng ở các tiểu vùng, và điểm dừng chân đầu tiên là Việt Nam.
Phong trào SUN toàn cầu là một nỗ lực đặc biệt và tự nguyện, được sáng lập năm 2010, hiện tại phong trào có sự tham gia của 58 quốc gia, ba bang của Ấn Độ, và hơn 3.000 tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, cùng với sự hỗ trợ đa ngành và nhiều bên liên quan của các Chính phủ nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng. Việt Nam tham gia phong trào SUN vào tháng 1 năm 2014./.
Theo Thùy Giang/Vietnam+
.