Lần đầu tiên trong 13 ngày (từ ngày 30/8 đến ngày 12/9), Bệnh viện Việt Đức đã ghép thành công 23 tạng gồm: 3 tim, 4 gan, 16 thận (trong đó gồm: 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não). Hiện tại, tất cả các tạng đều rất tốt.

Cũng lần đầu tiên, trong vòng 10 ngày (từ ngày 28/8 đến ngày 8/9) đơn vị tư vấn và điều phối Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức vận động thành công được 4 gia đình hiến tạng, thực hiện được: Tim: 3; Gan 4; Thận 8; Mạch máu 20; Van tim 2; Giác mạc 2.

leftcenterrightdel
 Bệnh viện Việt Đức liên tiếp lập nên những kỷ lục về ghép tạng giúp nhiều sự sống hồi sinh.

Trước đó, tháng 1/2020, đơn vị tư vấn và điều phối Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức vận động thành công 3 gia đình ở tỉnh Bắc Giang và 3 gia đình ở tỉnh Thanh Hóa

Đặc biệt, nhờ nguồn tạng được hiến tặng từ 4 gia đình (từ ngày 28/8 đến ngày 8/9) mà lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức thực hiện ghép tim thành công cho 2 bệnh nhân trong 2 ngày liên tiếp (11 và 12/9).

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân N.Q.T., 33 tuổi, ở Thanh Hóa có tiền sử suy tim giai đoạn cuối trên nền bệnh cơ tim giãn. Bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn kéo dài 5 năm, điều trị tại bệnh viện tỉnh. Trong quá trình điều trị, nhiều lần xuất hiện loạn nhịp nguy hiểm phải sốc điện, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân chỉ có 1 cơ hội sống duy nhất là ghép tim.

Ngày 10/9/2020, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực nhận được thông báo từ đơn vị vận động hiến tạng của Bệnh viện Việt Đức về một trường hợp chấn thương sọ não nặng, đã có biểu hiện chết não và gia đình mong muốn được hiến đa tạng (tim, gan, 2 thận). Đó là một thanh niên còn trẻ và các chức năng tim còn rất tốt, các chỉ số sinh học phù hợp với bệnh nhân T. đang chờ ghép tim.

leftcenterrightdel
 Các y bác sĩ tiến hành ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức.

Không thể bỏ qua “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân T., ngày 11/9, ê kíp phẫu thuật do PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức làm trưởng kíp đã phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân T.

Các bác sĩ cho biết ca phẫu thuật kéo dài trong 6h. Trong quá trình ghép khó khăn về kỹ thuật, chủ yếu là ở chỗ tim của anh T. bị bệnh nên quá to, làm khoang chứa tim rất lớn. Tim hiến là của người bình thường - nên nhỏ hơn khoang chứa tim. Do đó, các bác sĩ đã phải dùng một số kỹ thuật để tạo hình, kéo dài các cuống tim ra thì mới nối vừa.

Hiện tại sau ghép, bệnh nhân hồi phục tốt, được rút máy thở, giảm dần thuốc trợ tim, tiếp tục được theo dõi điều trị tích cực.

Trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân N.Đ.D., 52 tuổi, ở Thanh Hóa có tiền sử suy cơ tim giãn nhiều năm. Bệnh nhân phát hiện cơ tim giãn từ năm 2006. Từ năm 2013 đến nay được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối do bệnh cơ tim giãn.

Gần đây bệnh nhân sức khỏe yếu, mệt hơn, vào viện điều trị nội trú nhiều đợt. Bệnh nhân được đưa vào danh sách chờ ghép.

Ngày 12/9, 15h sau ca ghép tim ngày 11/9, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân D từ người chết não hiến đa tạng (tim, gan, 2 thận) là nam thanh niên hơn 30 tuổi, bị tai nạn giai thông không còn khả năng cứu chữa. Ca phẫu thuật đã tiến hành thuận lợi, đạt kết quả tốt.

Hiện tại, ngày thứ 3 sau phẫu thuật, bệnh nhân D tỉnh táo, được rút máy thở, có thể ngồi dậy, ăn uống và nói chuyện, tiếp tục được theo dõi điều trị tích cực.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân sau ca ghép tim sức khoẻ đã dần ổn định.

Trước đó, trong 1 tuần, từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, Bệnh viện Việt Đức cũng đã thực hiện thành công 15 ca ghép tạng: 10 ca ghép tạng từ người cho chết não (1 phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) và 5 ca ghép tạng từ người cho sống (1 gan, 4 thận).

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại Bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 - 230 triệu.

Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ 1- 1,5 tỉ đồng.

"Chi phí rẻ, ngày càng nhiều tấm lòng sẵn sàng hiến tạng nếu không may mất đi, bác sĩ Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng, chúng tôi hi vọng những danh sách dài dằng dặc chờ đợi được ghép tạng sẽ dần được rút ngắn, sẽ không có những người bệnh chờ mỏi mòn đến khi nhắm mắt vì không có nguồn tạng hiến, trong khi tỉ lệ bệnh nhân sau tai nạn chết não rất nhiều” - PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết bày tỏ.

 

Huân Thu