(BVPL) - Chưa bao giờ, vấn nạn về an toàn thực phẩm lại nóng như hiện nay. Từ nhà ra phố, đâu đâu cũng nghe đến câu chuyện thực phẩm bẩn. Mới đây nhất, một phát biểu của đại diện Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam khiến dư luận hết sức hoang mang. Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vân thì năm 2016 tới đây Việt Nam sẽ có nguy cơ trở thành “bể chứa” những loại thuốc bảo vệ thực vật cực độc tràn vào qua đường nhập lậu. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.
90% thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc
Hiện ở nhiều vùng nông thôn đang tồn tại một loại thuốc diệt cỏ cực độc có tên gọi là Paraquat. Loại thuốc này có khả năng diệt cỏ rất nhanh, chỉ trong vòng 24h sau khi phun thuốc cỏ sẽ bị chết cháy hàng loạt. Theo khuyến cáo, đây là loại thuốc diệt cỏ có độ độc cực mạnh, thuộc danh mục thuốc bị hạn chế, có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, môi trường. Đặc biệt, nếu bị nhiễm độc loại thuốc diệt cỏ này sẽ không thể giải độc được.
Theo thông báo của Cục Bảo vệ thực vật, trong 4 năm trở lại đây, mỗi năm các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra 14.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy, có khoảng 14-16% số đơn vị có vi phạm. Hình thức vi phạm chủ yếu là cơ sở vật chất không đảm bảo, thậm chí có đơn vị kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc giả…
Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái… thì tình trạng nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí kể cả các loại thuốc cấm diễn ra khá phổ biến. Khi được hỏi, bà con nông dân ở đây cho biết, họ không phân biệt được đâu là loại thuốc cấm, đâu là loại thuốc được phép sử dụng. Họ thấy người ta bán thì mua về sử dụng hoặc bán lại để kiếm lời.
Theo khảo sát, trong vòng 2 năm trở lại đây, những ca ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật có chiều hướng gia tăng đặc biệt là ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Điển hình như ở Lào Cai từ tháng 3/2013 đến 6/2014, có 26 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ paraquat trong đó 80% bị tử vong. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến như tiếng chuông cảnh tỉnh đối với xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chặn việc dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại thì vẫn còn đang là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Mới đây nhất, thông tin về việc Trung Quốc có khả năng chuyển thuốc diệt cỏ paraquat (còn gọi là thuốc cỏ cháy) từ dạng lỏng sang dạng bột càng khiến dư luận trong nước dấy lên lo ngại rằng rất có thể một khối lượng lớn thuốc paraquat dạng lỏng do Trung Quốc sản xuất trước đó có nguy cơ tuồn sang các nước lân cận trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, theo ghi nhận thì có tới 90% thuốc bảo vệ thực vật chứa chất độc hại ở Việt Nam là do nhập lậu từ Trung Quốc.
Không chỉ riêng thuốc bảo vệ thực vật mà việc mua các loại hóa chất cực độc khác ở Việt Nam cũng rất dễ dàng như: hóa chất để ngâm hoa quả giúp tươi lâu, hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao, hóa chất dùng trong công nghiệp như chất thông cống, xử lý hầm cầu, điều chế cao su, lọc sạch không khí, làm sạch kim loại cũ đến các loại hóa chất như hàn the, Formol, hương bún bò, chất tẩy trắng lòng heo thối và cả thuốc điều chế rượu mạnh XO… chỉ cần có nhu cầu là sẽ được đáp ứng tận nơi.
Siết chặt quản lý
Trong khi người tiêu dùng còn khó phân biệt chất lượng của rau an toàn, thì tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng nói chung và nhất là trên rau củ quả diễn ra tràn lan, thiếu sự quản lý giám sát ở các địa phương dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thậm chí, chính người trồng rau củ quả còn không phân biệt được đâu là loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng còn đâu là loại thuốc nằm trong danh mục hạn chế hoặc cấm.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 400 công ty sản xuất và cung ứng phân phối các loại thuốc bảo vệ thực vật với hơn 3.500 tên thương mại thuốc được lưu hành. Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở đóng gói không đảm bảo chất lượng, tình trạng sử dụng các loại thuốc nằm ngoài danh mục cho phép hoặc không tuân thủ theo đúng quy định diễn ra khá phổ biến.
Ghi nhận thực tế tại một huyện thuộc ngoại thành Hà Nội cho thấy hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tràn lan. Tâm lý đa số người dân là trồng rau thì phải phun thuốc nếu không thì sâu bọ phá hết không có lãi. Do đó, đại đa số người dân sử dụng thuốc phổ biến trên tất cả các loại cây trồng từ lúa ngô khoai sắn đến các loại rau quả. Thậm chí càng gần ngày thu hoạch thì tần suất sử dụng càng cao vì muốn thành phẩm đưa ra thị trường bắt mắt.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những sản phẩm chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vì một nền nông nghiệp sạch, một môi trường trong lành, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân, thiết nghĩ, các cấp, các ngành, các địa phương cần nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục những bất cập liên quan đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời cần tuyên truyền cho người dân về cách nhận biết các loại chất cấm sử dụng.
Hữu Bắc