Việt Nam bước sang ngày thứ 45 không có ca nhiễm COVID-19 cộng đồng
Cập nhật lúc 08:03, Thứ bảy, 17/10/2020 (GMT+7)
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng nay, cả nước không có ca nhiễm bệnh mới. Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 45 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mùa đông sẽ khốc liệt nếu dịch bệnh xảy ra.
Tính đến 6h ngày 17/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca. Tính từ 18h ngày 16/10 đến 6h ngày 17/10: 0 ca mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.090, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 166; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.727; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.197.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính với SARS-CoV-2: Lần 1: 7; Lần 2: 4; Lần 3: 12
Số ca tử vong: 35 ca. Số ca điều trị khỏi: 1.031 ca.
Trước tình hình mùa đông sắp đến, và những nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn tiềm tàng, Ban chỉ đao quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã yêu cầu các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch. Cả nước vẫn giữ 5 nguyên tắc là ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả, nhưng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong giai đoạn hiện nay có thể nói nguyên tắc quan trọng nhất là phát hiện, ngăn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam; vấn đề tiếp theo là giám sát phát hiện các ca bệnh. Trong giai đoạn hiện nay cần phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa đông xuân năm nay, nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, “cuống” trong chống dịch.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch. Các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với biên phòng giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, người nào cách ly tại cơ sở tập trung, người nào cách ly tại cơ sở lưu trú. Giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, y tế cơ sở trong công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời và theo dõi sau cách ly.
Trong công tác chống dịch, lưu ý các địa phương về công tác truy vết, kiên quyết cách ly tập trung bắt buộc tất cả các trường hợp F1 và là yếu tố “sống còn” trong chống dịch. Bên cạnh đó các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thành lập các tổ phòng chống dịch dựa vào công đồng, tập huấn để chuẩn bị sẵn lực lượng khi dịch xảy ra thì ngay lập tức huy động các tổ này để phát huy vai trò chống dịch.
Các địa phương cũng cần cập nhật thông tin về cơ sở cách ly, chỉ những cơ sở lưu trú nào được cập nhật trên hệ thống mới được sử dụng cách ly, trừ những trường hợp khác thì phải có ý kiến của Ban Chỉ đạo. Cán bộ y tế phải cập nhật kết quả xét nghiệm của người cách ly trên tờ khai y tế điện tử.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phải tiến hành đấu thầu mua sắm ngay trang thiết bị, vật tư chống dịch để không bị động khi dịch xảy ra trên địa bàn. Phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế trong vấn đề này.
Hoài Thu