|
|
Phụ huynh cần cho trẻ tiêm đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh sởi. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Nhiều trẻ mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm phòng sởi
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố hiện tại ổn định, hầu hết các dịch bệnh có số mắc giảm so với các tuần trước đó như tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết...
Tuy nhiên, đáng chú ý, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội vẫn có xu hướng tăng nhẹ. Tổng số mắc sởi của Hà Nội tính đến trung tuần tháng 7 là 240 ca, trong khi cùng kỳ năm 2017, Thành phố chỉ ghi nhận hơn 60 ca.
Số mắc vẫn tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai... Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đối tượng mắc sởi chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, đa phần trẻ mắc sởi khi không tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển, trong đó có virus gây bệnh sởi, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết… nên nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh này vẫn rất lớn.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đồng thời tăng cường công tác tiêm chủng để chủ động phòng chống các dịch bệnh có vaccine dự phòng như sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà...
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đa số đối tượng mắc sởi là trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh theo quy định.
Cách phòng và điều trị bệnh sởi
Để phòng bệnh hiệu quả, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi), trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vaccine sởi đầy đủ và đúng lịch.
Bệnh sởi rất dễ lây, vì vậy cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Các gia đình không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo. Người mắc sởi cần được cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người).
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa Đông Xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài.
Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh, cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.
Trẻ em không được tiêm vaccine sởi và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Theo Cục Y tế dự phòng, thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7-18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban.
Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín, hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.
Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vaccine là bền vững. Miễn dịch từ mẹ truyền sang con có thể bảo vệ trẻ trong vòng từ 6-9 tháng sau khi ra đời...
Theo Chinhphu.vn