Ung thư giết chết hơn 114.000 người trong năm 2018
Cập nhật lúc 19:50, Thứ tư, 12/12/2018 (GMT+7)
Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy, năm 2018, Việt Nam có hơn 114.000 người chết vì ung thư và khoảng 164.000 ca mắc ung thư mới. Tỉ lệ này đồng nghĩa với mỗi ngày có hơn 450 người mắc mới và hơn 312 người tử vong. Việt Nam được xếp vào nước có người mắc ung thư tăng nhanh.
|
|
Hiểu cơ chế hoạt động của tế bào ung thư để tầm soát |
Năm 2000, Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015, con số này đã tăng lên đến 150.000 ca mắc mới. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người.
Trong 20 năm từ 1995 đến 2004, riêng tại TP.HCM có 119.556 ca mắc ung thư. Từ năm 2012 đến nay, số người mắc ung thư tăng nhanh, trung bình 8-9%/năm. Cụ thể, nếu như năm 2012 có 7.392 ca mắc ung thư mới thì năm 2013 tăng lên 8.049 ca, năm 2014 là 8.951 ca, và 2015 là 9.270 ca.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong năm 2018 ung thư gan là một trong 5 loại gây tử vong hàng đầu, ước tính 782.000 ca tử vong mỗi năm. Gánh nặng ung thư gan đến từ người nhiễm viêm gan B và C, lạm dụng rượu, ăn thực phẩm chứa nấm mốc aflatoxin. Gần 85% bệnh nhân ung thư gan xảy ra ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo GLOBOCAN, Việt Nam được xếp trong nhóm những nước mắc ung thư gan cao nhất thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh là 23,2/100.000 người ở cả hai giới. Tại các hội thảo quốc tế về ung thư, các nhà khoa học đang lo ngại tình trạng ung thư ở Việt Nam đang được trẻ hóa. Ví như, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư thực quản...
Các chuyên gia về ung thư nhận định để đối phó với tình trạng người bệnh mắc ung thư ngày càng tăng, giải pháp tốt nhất là tăng cường tầm soát và điều trị ở giai đoạn sớm, khả năng chữa khỏi ung thư là có thể (ở một số loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung...). Còn ở giai đoạn muộn thì tình trạng điều trị là rất khó khăn và chỉ điều trị để kéo dài. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, không chỉ ở đô thị lớn người dân mới đi khám tầm soát ung thư sớm mà ở vùng nông thôn cũng cần đến các cơ sở y tế để khám phát hiện sớm ung thư. Vì hiện nay ung thư ở vùng nông thôn có nguy cơ phát triển cao.
PV