Theo đó, trước khi vào viện 6h, bệnh nhân L.V.P (68 tuổi, trú ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào mu bàn chân trái, có biểu hiện đau, sưng nề, chảy máu tại vết cắn nên được đưa vào bệnh viện tuyến huyện thăm khám.

Sau đó, ông P. được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và được chỉ định làm xét nghiệm đông máu tại giường, đông máu cơ bản và xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu…

Kết quả xét nghiệm cho thấy PT giảm 53%, Fibrinogen giảm 0,85 g/l, người bệnh được chẩn đoán nhiễm độc nọc độc rắn lục đuôi đỏ giờ thứ 6, rối loạn đông máu.

leftcenterrightdel
 Người đàn ông bị rắn lục đuôi đỏ cắn. (Ảnh: BVĐK Phú Thọ).

Người bệnh đã được xử trí vết thương và điều trị tích cực bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục, kháng sinh, truyền dịch, dinh dưỡng…theo dõi rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, tổn thương gan, thận.

Sau 10 ngày chăm sóc, điều trị tích cực và truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục, tình trạng của người bệnh đã được cải thiện rõ rệt, không còn rối loạn đông máu, chân trái bớt sưng nề và đã được xuất viện.

TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, vết cắn của rắn lục đuôi đỏ thường gây chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Nọc độc của loài rắn này chứa hơn 20 thành phần khác nhau, có khả năng tác động lên hệ tuần hoàn gây rối loạn đông máu, sưng nề, hoại tử; hoặc gây ra hiện tượng tan máu, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch…

Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim và nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, khi bị rắn độc cắn, cần hạn chế tối đa vận động để không làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể.

Sử dụng huyết thanh kháng nọc để điều trị người bệnh bị rắn cắn là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.

H.P