Trong tương lai, hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ không có vợ?
Cập nhật lúc 22:42, Thứ tư, 09/11/2016 (GMT+7)
Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và "dư thừa" đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn. Đến năm 2050, số lượng đàn ông Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành khó có khả năng kết hôn tích lũy lại sẽ là 2,3-4,3 triệu người. (tương lai, đàn ông)
Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và "dư thừa" đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn. Đến năm 2050, số lượng đàn ông Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành khó có khả năng kết hôn tích lũy lại sẽ là 2,3-4,3 triệu người.
Còn tại huyện miền núi Ba Vì, tỷ số giới tính khi sinh đã giảm nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng chung của thành phố. Năm 2015, tỷ lệ này của huyện Ba Vì là 115 trẻ trai/100 trẻ gái và 9 tháng năm nay là 124 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cả năm là 122 trẻ trai/100 trẻ gái.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội, 9 tháng năm nay, mặc dù số người sinh con thứ ba trên địa bàn toàn thành phố đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức 113,6 trẻ trai/100 trẻ gái.
Các đơn vị có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 120/100 là: Sơn Tây 131,9 trẻ trai/100 trẻ gái; Ứng Hòa 130,1 trẻ trai/100 trẻ gái; Mê Linh 123,6 trẻ trai/100 trẻ gái; Ba Vì 121,9 trẻ trai/100 trẻ gái; Phú Xuyên 121,3 trẻ trai/100 trẻ gái; Thạch Thất 120,9 trẻ trai/100 trẻ gái; Sóc Sơn 120,3 trẻ trai/100 trẻ gái.
Những số liệu trên đã phản ánh thực trạng đáng báo động về chênh lệch giới tính khi sinh ở Thủ đô mà hậu quả của nó ai cũng có thể hình dung ra, không chỉ ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc của con em mà còn gây ra những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
Chênh lệch giới tính khi sinh là vấn đề dân số có tác động, hệ lụy lâu dài và có khi từ đời này sang đời khác song “khát con trai” vẫn như một căn bệnh kinh niên ở các gia đình, dòng tộc.
Dự báo của các chuyên gia dân số cho thấy tình trạng này sẽ dẫn đến hậu quả là trong tương lai, hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ khó có vợ, hoặc buộc phải lấy vợ muộn. Kết hôn quá sớm hoặc quá muộn, tuổi chênh lệch hôn nhân cao, ly hôn, độc thân, bạo hành, bất bình đẳng giới sẽ có cơ sở để ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến cấu trúc gia đình Việt Nam.
Chưa kể các hệ lụy kéo theo do từ những trường hợp không thể kết hôn nhưng vẫn có nhu cầu tình dục sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia./.
Theo Tuyết Mai/TTXVN/Vietnam+
.