Trẻ từ 3 – 5 tuổi có thói quen ngủ ngáy sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn hành vi, điển hình là bệnh tăng động, giảm chú ý.

 


Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ công bố mới đây trong Tạp chí “Pediatrics”.

Theo đó, những trẻ nhỏ nếu ngáy to từ 2-3 lần/tuần sẽ có nguy cơ mắc chứng bệnh nêu trên cao hơn các trẻ khác từ 10 – 12%. Hiện tượng ngáy ngủ thường đi kèm với hiện tượng ngừng thở trong vài giây là nguyên nhân của việc thay đổi hành vi trên.

Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, họ lại không chứng minh được vấn đề hô hấp trực tiếp dẫn đến các vấn đề hành vi hoặc điều trị nguyên nhân cơ bản của chứng ngáy có thể cải thiện được hành vi của trẻ. Họ chỉ phỏng đoán rằng, khi ngừng thở, nồng độ ôxy trong máu bị giảm và có tác động trực tiếp đến các mao mạch ở não.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cảnh báo môi trường sống: Bụi bặm, khói thuốc lá, gia cảnh... cũng là những yếu tố liên quan đến hành vi ở trẻ nhỏ.

Mặc dù vậy, bác sĩ Dean W.Beebe - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: Ngáy ngủ ở trẻ nhỏ là vấn đề mà cha mẹ và bác sĩ nhi khoa không nên coi thường.

Nhìn chung, việc trẻ ngáy ngủ thường liên quan đến amidan ở vòm họng bị sưng to, gây cản trở đường thở. Đôi khi trẻ ngáy là biểu hiện của chứng cảm lạnh.

Do vậy, có thể nói, nó như một cái “rađa” phát tín hiệu cho các bậc cha mẹ quan tâm và đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa.

 

Theo Reuters
 

.