Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy trẻ em, có em chừng 3 tuổi đã biết cầm điện thoại cảm ứng quẹt quẹt, tìm kiếm trò chơi, lên facebook thuần thục không thua gì người lớn. Ngoài chức năng, công dụng hiện có, nhiều người còn “dùng” điện thoại để dỗ khi con khóc, dụ con; ra điều kiện cho con điện thoại có giá trị nếu con học tập tốt...
Sắm điện thoại cho con
Em Nguyễn Hoàng Đ., học sinh (HS), Trường THCS Kim Hồng, TP.Cao Lãnh (TPCL) cho biết: “Trong lớp em hầu như bạn nào cũng có điện thoại, có bạn có điện thoại cảm ứng, có bạn sử dụng điện thoại số thông thường. Thỉnh thoảng, các bạn dùng điện thoại chơi face book, chơi game, dùng để gọi cha mẹ đến đón... Em được cha mẹ mua cho điện thoại vào năm lớp 6”. Tại một điểm trường THCS tại TP.Cao Lãnh, chúng tôi nhìn thấy không ít HS sử dụng những chiếc điện thoại đắt tiền như Iphone 5, 6, điện thoại Sony trị giá trên dưới 20 triệu đồng. Khi được hỏi, nhiều em trả lời “Được cha, mẹ mua cho...”. Em Phan Văn V. - HS lớp 10 của một trường THPT tại TPCL, chia sẻ: “Điện thoại của em có giá 15 triệu đồng. Em thường dùng điện thoại để lên facebook, điện cho cha, mẹ đến đón...”.
Sắm điện thoại cho con, phụ huynh kiêm luôn việc nạp card vào tài khoản để con nghe, gọi được dễ dàng. Nếu hôm nào cha mẹ không cho tiền, các em để dành tiền mỗi ngày đến trường để mua card nạp vào điện thoại. Các em nạp từ 10.000 đồng - 20.000 đồng. Dù mục đích sử dụng rất hạn chế, nhưng với nhiều em, điện thoại là vật bất ly thân, trừ khi hết tiền trong tài khoản, hoặc hết pin. Đáng nói hơn, nhiều phụ huynh có con em từ 3 - 5 tuổi cũng tận dụng chiếc điện thoại để dỗ con khi con khóc, hoặc dùng để dụ con ăn cơm. Sau những lần tập tành của phụ huynh, nhiều em nôn nao, đòi được cầm chiếc điện thoại. Có em dù nhỏ tuổi nhưng dán mắt liên tục vào chiếc điện thoại để xem hoạt hình, xem phim, chơi game không biết chán.
Hậu quả việc “nghiện” điện thoại
Thương con, sắm điện thoại cho con nhưng nhiều phụ huynh lại không nghĩ con mình lại mất quá nhiều thời gian khi có chiếc điện thoại bên mình. Chị Nguyễn Thị Phương ngụ đường Nguyễn Trãi, phường 2, TP.Cao Lãnh cho biết: “Tôi mua cho con điện thoại trắng đen, gần 300.000 đồng, nhưng cháu cầm suốt, đi ngủ cũng mang vào mùng. Nhiều hôm thấy cháu ngủ mà điện thoại để sát mặt, kế bên là chuôi điện thoại đang cắm vào ổ để sạc... Tối, cháu nhắn tin với bạn bè mê mệt nên ngủ. Tôi tịch thu điện thoại thì cháu giận không nói chuyện với ai trong nhà, nên tôi đành phải trả lại cho cháu”.
Thực tế tại một điểm trường THCS ở TP.Cao Lãnh vào giờ chào cờ, chúng tôi thấy một số HS ngồi ở dãy hàng cuối hý hoáy, luân phiên nhau chụp ảnh tự sướng, bàn tán với các bạn cùng lớp, không quan tâm đến thầy, cô đang nói phía trên. Trong buổi kỷ niệm ngày thành lập một trường THPT tại huyện Lấp Vò, gần 100 em HS đồng loạt đứng dậy, giơ điện thoại chụp ảnh thần tượng, bất chấp sự hiện diện của khách đang dự lễ.
Có điện thoại, nhiều em truy cập mạng, lên face book và kết bạn nhiều người. Từ những mối quan hệ bạn bè ảo trên face, các em yêu nhau khi tuổi còn rất nhỏ. Khi yêu nhau, số lần sử dụng điện thoại của các em tăng lên nhiều hơn, khi thì những tin nhắn mùi mẫn, khi thì hẹn hò gặp mặt, khi nóng giận,...
Trước thực trạng HS sử dụng điện thoại thường xuyên như hiện nay, cô Vũ Thị Phương - Phó trưởng Khoa Quản lý Giáo dục - Tâm lý giáo dục Trường Đại học Đồng Tháp cho biết: “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trẻ em sử dụng điện thoại di động phổ biến. Trẻ từ 12 - 13 tuổi sử dụng điện thoại 70%, trẻ 14 - 15 tuổi có sử dụng điện thoại chiếm 90%. Khi sử dụng điện thoại, các em sẽ bị chi phối bởi mất thời gian dùng điện thoại để chơi game, tán gẫu với bạn bè... Từ đó, các em không đầu tư vào bài học, ghi nhớ chậm, khả năng hoạt động trí tuệ kém, giảm hoạt động giao tiếp trực tiếp với người thân, bạn bè, lười vận động. Làm bạn với điện thoại, các em sẽ thiếu kiến thức thực tế cuộc sống, dễ bị cận thị; bị sóng điện thoại làm ảnh hưởng đến não. Chính vì những tác hại như vậy, chúng tôi mong muốn các bậc cha mẹ, phụ huynh HS nên cân nhắc, quản lý, nhắc nhở các em HS sử dụng điện thoại di động hợp lý để đảm bảo sức khỏe, khả năng học tập của con em...”.
Theo Báo Đồng Tháp