Nhiều trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ với mục đích chính là chơi game, trung bình dùng 1-2 giờ mỗi ngày, có em "ôm" điện thoại, iPad tới 4 giờ liền.
 
 
TS Nguyễn Thị Hảo, Phó trưởng khoa Giáo dục, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM cho rằng hiện nay mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên bố mẹ thường rất chiều trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh cho rằng việc tiếp cận sớm các thiết bị thông minh sẽ giúp con mình nhanh hiểu biết. Tuy nhiên hầu hết trẻ sử dụng thiết bị thông minh không mang lại kết quả tích cực như mong đợi của cha mẹ.
 
“Phụ huynh dễ dãi trong cách giáo dục con, đến lúc nhận ra tác hại thì thường phản ứng bằng cách không cho con tiếp xúc với thiết bị thông minh nữa”, bà Hảo nhận định.
 
TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM thì cho rằng thiết bị thông minh là một kênh giáo dục, giải trí quan trọng không chỉ với người lớn mà cho cả trẻ em. Do vậy cần phải có các nghiên cứu nghiêm túc về việc sử dụng công nghệ đối với lứa tuổi này sao cho hợp lý về thời gian, nội dung và mục đích sử dụng.
 
"Trẻ càng nhỏ, phụ huynh nên hạn chế sử dụng thiết bị thông minh nếu không sẽ dẫn tới sự phát triển lệch lạc về nhân cách", ông Điệp nói. Ông cho rằng các thiết bị thông minh dễ gây nghiện và kiến thức có được từ nó không bao giờ bằng kiến thức tự nhiên xã hội bên ngoài. Do vậy đối với trẻ dưới 6 tuổi thì nên để các bé tham gia các hoạt động thô sơ, những trò chơi đơn giản thực tế thay vì cung cấp các thiết bị số cho trẻ. Trên 6 tuổi, có thể cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh khoảng 2 giờ vào ngày cuối tuần và có định hướng cụ thể.
 
Khi lên cấp 2, các bé đã bắt đầu có ý thức thì cha mẹ cần quản lý chặt thời gian và nội dung. Học sinh cấp 3 nên học trên máy vi tính với thời gian quy định theo nội dung bài học ở trường. "Tuyệt đối không được ứng dụng thiết bị thông minh một cách chính thức cho học sinh cấp 1", ông Điệp nhận định.
 
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Lộc Phó Trưởng khoa Nhân học cũng cho rằng không thể phủ nhận được những đóng góp của thiết bị công nghệ đối với đời sống hiện đại. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đang lúng túng trong việc ứng xử thế nào đối với các thiết bị kỹ thuật số thông minh này để con mình không bị tác hại khi sử dụng.
 
Theo đại diện Trung tâm nghiên cứu văn hóa - giáo dục - đời sống xã hội TP HCM, sử dụng thiết bị công nghệ là xu hướng tất yếu của thế hệ trẻ trong cuộc sống hiện đại. Chúng sẽ không trở thành mối đe dọa cho sức khỏe, trí tuệ, tính cách và sự phát triển của trẻ. Do đó để giúp trẻ sử dụng thiết bị này một cách phù hợp, tối ưu, phụ huynh cần trang bị sự hiểu biết thực tế, cụ thể trước.
 
Theo VnExpress
.