Thời gian triển khai từ tháng 11 năm 2024 tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn Thành phố. Các điểm tiêm tổ chức tại trạm y tế, trường học và các điểm tiêm chủng lưu động tùy thuộc tình hình địa phương.
Để triển khai kế hoạch có hiệu quả, ngày 12/11 vừa qua CDC TP Hà Nội đã tổ chức tập huấn công tác tiêm chủng vắc xin uốn ván – bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng cho các cán bộ khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm và khoa Dược - Vật tư y tế của CDC, các Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật – HIV/AIDS và cán bộ tiêm chủng của TTYT quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
|
. |
Cán bộ y tế tư vấn tiêm chủng cho trẻ. |
Tại Việt Nam, vắc xin phòng bệnh bạch hầu được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ năm 1985. Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm 3 mũi vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu vào lúc 2,3,4 tháng tuổi, đây là liều cơ bản để phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em. Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sau tiêm liều cơ bản sẽ giảm dần theo thời gian, nên cần tiêm chủng các mũi nhắc lại để có miễn dịch bảo vệ lâu dài đối với bệnh bạch hầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu gồm 3 mũi cơ bản trước 1 tuổi và 3 mũi nhắc lại lúc 12-23 tháng (mũi 4), 4-7 tuổi (mũi 5) và 9-15 tuổi (mũi 6).
Từ năm 2011, Chương trình TCMR đã triển khai lịch tiêm nhắc vắc xin phối hợp bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) mũi 4 cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi. Nhờ đạt được tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cao trên 90% trong nhiều năm qua đã góp phần giảm đáng kể số mắc bạch hầu. Trong các năm 2005 -2012 bệnh bạch hầu cơ bản được khống chế ở Việt Nam với tỷ lệ mắc bạch hầu hàng năm đều dưới 0,05/100.000 dân, không có ca tử vong. Tuy nhiên, trong các năm từ 2013-2020 ghi nhận một số ổ dịch bạch hầu xảy ra rải rác ở một số địa phương. Số mắc bạch hầu chủ yếu gặp ở nhóm trẻ lớn và người lớn chưa được tiêm chủng, chưa tiêm đủ mũi vắc xin hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, từ năm 2019, Bộ Y tế đã cho phép triển khai hàng năm vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi tại các tỉnh, thành phố nguy cơ cao, đây là các tỉnh có ca mắc bạch hầu và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp. Diện triển khai tiêm vắc xin Td từ 30 tỉnh/thành phố năm 2019 được tiếp tục duy trì và mở rộng đến 37 tỉnh/thành phố trong năm 2024. Trong 5 năm qua đã có gần 3,8 triệu liều vắc xin Td được sử dụng đề tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi 7-8 tuổi đảm bảo an toàn, không ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng và nhận được sự chấp thuận rộng rãi của các bậc cha mẹ.
Vắc xin Td là vắc xin có thành phần uốn ván, bạch hầu giảm liều sử dụng để phòng bệnh bạch hầu và uốn ván. Hiện nay vắc xin đã được sản xuất trong nước và có thể sử dụng cho đối tượng người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên. Triển khai tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi có vai trò quan trọng giúp củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Để tăng diện bao phủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã hành hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm vắc xin Td cho trẻ em lúc 7 tuổi vào Chương trình TCMR. Việc triển khai tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi trên phạm vi toàn quốc sẽ góp phần chủ động phòng bệnh bạch hầu ở trẻ em lứa tuổi học đường.