Tin thầy Lang, nạn nhân bị rắn cắn nguy kịch
Cập nhật lúc 22:25, Thứ năm, 20/11/2014 (GMT+7)
Chỉ vì tin vào tài chữa trị rắn cắn của thầy lang mà một bệnh nhi 12 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch. (rắn, thầy lang, bệnh viện, chết người, hổ)
Chỉ vì tin vào tài chữa trị rắn cắn của thầy lang mà một bệnh nhi 12 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thạch - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tâm Phúc cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Nguyễn Văn S ở Hàm Cường – Hàm Thuận Nam bị rắn hổ mèo cắn. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị rắn cắn hơn 1 ngày mới được gia đình đưa đến bệnh viện. Khi vào viện, nạn nhân bị choáng, sốc nặng do rối loạn đông máu, mạch và huyết áp không đo được, nôn ói liên tục, riêng vết cắn ở bàn chân trái bị hoại tử, sưng to do bó thuốc, tiên liệu tử vong cao. Bác sĩ Thạch cho biết thêm, sau khi nhập viện, bệnh viện đã huy động toàn bộ kíp trực và nhiều máy móc hiện đại với quyết tâm phải tích cực hồi sức cấp cứu cho nạn nhân. Sau khi được cấp cứu, nạn nhân bắt đầu có dấu hiệu sống, khi mạch và huyết áp đều bắt được. Sau khi hội chẩn, Bệnh viện Tâm Phúc đã quyết định chuyển nạn nhân vào Bệnh viên Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị, vì hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đều không có đủ điều kiện để điều trị cho các trường hợp bị rắn, đặc biệt thời gian bị rắn cắn quá lâu (hơn 24 tiếng đồng hồ).
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị B – mẹ của nạn nhân cho biết, khoảng 10 giờ sáng 15/11, bé S đang ngồi học bài ở nhà, để chân dưới gầm bàn thì vô tình bị rắn hổ mèo cắn vào bàn chân trái. Thay vì lập tức đưa con đến bệnh viện cấp cứu, gia đình chị lại đưa con đến bó thuốc tại nhà một thầy lang. Sau khi bó thuốc, nạn nhân có dấu hiệu sốc nặng, bàn chân bị hoại tử, lúc này gia đình mới đưa con vào viện thì đã quá trễ. Hiện bé S đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Thạch khuyên người dân cần cảnh giác với những tình huống bị rắn độc cắn, nhất là người dân ở vùng nông thôn, đồng thời các triệu chứng thường thể hiện rõ ngay sau khi bị rắn cắn, nên việc quan sát nạn nhân là cực kỳ quan trọng. Nếu không có triệu chứng gì trong vòng dưới nửa giờ sau khi bị rắn cắn, khi đó có thể nghĩ là rắn đó không phải là rắn độc, chúng không thể tiêm nọc độc hoặc có ít nọc độc. Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn, màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công... Sau đó để nạn nhân nằm yên, nếu cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc độc đến tim nhanh hơn. Rửa sạch và băng bó vết thương cẩn thận để không tạo áp suất và gây bầm tím, lập tức đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Theo Báo Bình Thuận
.