Chiều qua, 16-7, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội cho biết, năm 2012, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn Thủ đô đã tăng 1,33 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 1,87 lần, thu ngân sách tăng 2 lần so với năm 2008-năm đầu tiên thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.
Tăng trưởng gần 10% mỗi năm
Nói về bức tranh tổng thể của Thủ đô Hà Nội sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, Giám đốc Sở KH-ĐT Ngô Văn Quý cho biết, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi thay, tạo diện mạo mới cho Thủ đô sau 5 năm phát triển, được nhân dân phấn khởi đồng tình ủng hộ. Về kinh tế, tăng trưởng trong giai đoạn 2008-2012 bình quân đạt 9,45%/năm. Thu nhập tính theo tăng trưởng theo đó tăng lên, bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.257 USD/người, gấp 1,33 lần so với năm 2008 (năm 2008 đạt 1.697 USD/người). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô luôn đạt mức tăng gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm ngoái gấp 1,62 lần so với 2008. Thu ngân sách giai đoạn 2008 – 2012 liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân đạt 106.880 tỷ đồng/năm; tăng trung bình 19,2%/năm. Năm 2012, thu ngân sách đạt 146.331 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2008.
Bên cạnh các thành tựu kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng ghi nhận những kết quả khả quan. Giáo dục-đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững. TP đã hoàn thành xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 nguy hiểm, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, cải tạo hệ thống điện cho các trường học. Trong 5 năm đã xây mới, thay thế 5.523 phòng học tạm, cấp 4 xuống cấp, 1.108 phòng học văn hóa, 1.071 phòng học bộ môn.
An sinh xã hội luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo thành phố giai đoạn 2011-2015 được triển khai tích cực. Trung bình hàng năm hỗ trợ trên 20.000 hộ thoát nghèo, đồng thời thường xuyên nâng chuẩn nghèo và các mức hỗ trợ. Giai đoạn 2008-2012, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,2-2%, đến cuối năm 2012 còn 3,55% với 59.365 hộ, năm 2013, ước thực hiện hỗ trợ 16.500 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,35%. Chuẩn nghèo và một số mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội được nâng lên và cao hơn mức chung toàn quốc. Bình quân, mỗi năm giai đoạn 2008-2012, TP đã cho vay giải quyết việc làm thông qua quỹ quốc gia 273 tỷ đồng, giải quyết cho trên 23.000 lao động. Trung bình, TP đã giải quyết việc làm cho trên 133.000 lượt lao động mỗi năm.
|
Chú trọng đầu tư, phát triển giáo dục giúp Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính phát triển bền vững (Trong ảnh: Học sinh trường Tiểu học Trưng Vương trong lễ khai giảng) |
Bất động sản phát triển quá nóng
Thừa nhận tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô sau 5 năm mở rộng không chỉ toàn màu hồng, ông Ngô Văn Quý cũng chỉ ra hàng loạt những tồn tại cũng như thách thức mà Hà Nội đã và đang phải đối mặt. Cụ thể, kinh tế Thủ đô tuy tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững. Thu hút nguồn lực chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội. Cải cách hành chính dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều dự án trọng điểm còn bị chậm tiến độ. Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị, trật tự vệ sinh, môi trường đô thị còn nhiều hạn chế. Bệnh viện, trường học vẫn quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tương tự, công tác quản lý lao động, việc làm, văn hóa, di tích lịch sử... cũng có nhiều bất cập. Một số vụ việc gần đây như một số người dân làng Đường Lâm (Sơn Tây) đòi trả lại danh hiệu làng cổ hay việc trùng tu Chùa Một Cột là những ví dụ cụ thể...
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Ngô Văn Quý ghi nhận thực tế là ngay trước khi sáp nhập vào Hà Nội, các địa phương như Hà Tây (cũ), Hòa Bình, Vĩnh Phúc... đã phê duyệt số lượng lớn các dự án bất động sản, dự án đô thị, phát triển nhà ở. Ông Ngô Văn Quý nói: “Bất động sản, các dự án nhà ở phát triển quá nóng khiến cung vượt cầu và là một trong những nguyên nhân khiến thị trường đóng băng”. Giám đốc Sở KH-ĐT cũng cho biết, liên quan tới các dự án dạng này, sau khi hợp nhất, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với TP Hà Nội rà soát lại toàn bộ để đề xuất cho tiếp tục triển khai hay dừng, giãn, hoãn, chuyển đổi mục đích đầu tư đối với các dự án không còn phù hợp quy hoạch. “Thị trường đóng băng cộng thêm ảnh hưởng từ việc chờ đợi rà soát quy hoạch khiến nhiều dự án giậm chân tại chỗ nhiều năm, tình hình hết sức khó khăn” - ông Ngô Văn Quý nói.
Theo Thành Nam
An Ninh Thủ Đô