Theo điều tra dịch tễ, tối 6/8, ông N.V.H (SN 1974), trú tại xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa đi ăn tiết canh đã luộc chín tại nhà hàng xóm. Đến khoảng 21h cùng ngày, ông H. có triệu chứng sốt nóng, kèm đi ngoài phân lỏng nhiều lần.
Rạng sáng hôm sau, ông tiếp tục xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn...nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa và được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, tăng huyết áp vô căn, suy thận mạn…
Sáng 7/8, ông H. được chuyển xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng tỉnh chậm, Glasgow 13 điểm, da niêm mạc nhợt, kèm theo nổi vân tím toàn thân, xuất huyết kết mạc mắt, khó thở (nhịp thở 30 lần/phút), huyết áp 100/60mmHg. Chuẩn đoán sốc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Kết quả xét nghiệm, bệnh nhận H. dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Sau gần 3 ngày được điều trị, chiều 9/8, ông H. tử vong.
|
|
Một trong những biểu hiện của bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn. |
Trước đó, tại tỉnh Thanh Hoá, sáng 19/7, anh L.Đ.T. (SN 1983), trú tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương ăn 2 bát tiết canh lợn.
Đến 14h ngày 23/7, anh T. thấy sốt, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái sưng bầm tím. Các bác sĩ ở Trạm y tế xã Quảng Hải nghi anh T. bị nhiễm trùng máu, chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Tại đây, anh T. được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn và được chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lúc 16h cùng ngày.
Đến khoảng 2h sáng ngày 2/8, bệnh nhân T. tử vong. Nguyên nhân được xác định bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn gây nên.
Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.