Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 24/6: 69 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 24/6: Việt Nam có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 23/6 đến 6h ngày 24/6: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 6.318, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 107
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.411
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 800
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 2 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 3 ca
Tình hình dịch bệnh thế giới hiện nay theo đánh giá của WHO là đang trên đà tiếp tục lan nhanh và sẽ ảnh hưởng kéo dài. Phát biểu tại một diễn đàn y tế trực tuyến do giới chức Dubai tổ chức ngày 22/6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Đại dịch Covid-19 vẫn đang tăng tốc. Chúng ta biết rằng đại dịch này không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế, nó cũng là một cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội, thậm chí ở nhiều nước là một cuộc khủng hoảng chính trị. Hệ quả của nó sẽ kéo dài hàng chục năm”.
Đến nay, thế giới có 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 9.334.732 ca nhiễm và 478.747 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 163.819 và 5.470 trong 24 giờ qua. 5.014.146 người đã bình phục. Mỹ và Brazil hiện là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Theo báo cáo, Mỹ có 2.422.671 ca nhiễm và 123.463 ca tử vong, tăng lần lượt 36.144 và 868 ca trong 24 giờ. Vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV, một số bang của Mỹ ghi nhận số người nhập viện vì Covid-19 cao chưa từng thấy. Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 34.558 ca nhiễm và 1.242 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.145.906 và 52.649. Các nhà nghiên cứu lo ngại số người chết vì Covid-19 trên thực tế tại Brazil bị che đậy, căn cứ vào tình trạng thiếu xét nghiệm, cùng sự tăng vọt số ca tử vong vượt mức, tức số người chết vượt quá dự đoán dựa trên tỷ lệ tử vong cùng kỳ những năm trước đây. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định hệ thống y tế của Brazil vẫn chịu được áp lực.
Tại Đông Nam Á, Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 47.896 ca nhiễm, tăng 1.051 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.535 người chết, tăng 35 ca. Trường học đóng cửa cho đến 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.
Singapore ghi nhận 42.432 ca nhiễm, tăng 119, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore cho phép phương tiện công cộng, một số trường và cửa hàng như tiệm bán đồ dùng học tập mở lại. Nhà hàng và quán bar vẫn không được tiếp khách mà chỉ phục vụ bán mang về hoặc giao hàng tận nơi.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19.