Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo bệnh thủy đậu chuẩn bị vào mùa
Cập nhật lúc 23:48, Thứ năm, 09/02/2017 (GMT+7)
Bắt đầu từ tháng 2, các loại bệnh truyền nhiễm như tiêu hóa, hô hấp, tay chân miệng và đặc biệt là bệnh thủy đậu bắt đầu vào mùa. (cảnh báo, tay chân miệng, bệnh thủy đậu, hô hấp, Thành phố Hồ Chí Minh)
Bắt đầu từ tháng 2, các loại bệnh truyền nhiễm như tiêu hóa, hô hấp, tay chân miệng và đặc biệt là bệnh thủy đậu bắt đầu vào mùa.
|
Nghiên cứu bệnh phẩm tại phòng thí nghiệm. (Ảnh minh họa: Hà Thái/TTXVN) |
Các bác sỹ cảnh báo thời điểm này phụ huynh thường lơ là khiến cho mức độ lây lan bệnh mạnh hơn.
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tại các tỉnh miền Nam, bệnh thủy đậu diễn ra theo chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, đỉnh điểm rơi vào khoảng tháng 5-6.
Từ đầu tháng 1 đến nay, Khoa Nhiễm-Thần kinh tiếp nhận 24 trẻ nhập viện điều trị thủy đậu.
"Đa phần mắc thủy đậu không nặng lắm nên phụ huynh có thể điều trị tại nhà, chỉ trừ trường hợp nặng, có biến chứng mới phải nhập viện,” bác sỹ Khanh cho biết.
Tuy nhiên, đặc tính của thủy đậu là lây lan nhanh, khó kiểm soát. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc, sử dụng chung đồ vật, dụng cụ…
Virus thủy đậu có thể phát tán trước khi phát hiện bệnh và tồn tại trong vùng hầu, họng của người bệnh đến 3 tuần sau khi hết bệnh.
Do vậy, thông thường nếu trong gia đình hoặc môi trường tập thể chỉ cần một người mắc sẽ lần lượt lây bệnh hết cho những người còn lại.
Bệnh thủy đậu có thể dẫn đến nhiễm trùng da để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này. Nặng hơn thì có thể gây nhiễm trùng máu.
Những năm gần đây, bệnh thủy đậu đang có xu hướng chuyển dần từ trẻ nhỏ sang người lớn.
Nếu như trước đây, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thì nay có nhiều trường hợp là người lớn trong độ tuổi khoảng từ 25-30 mắc bệnh thủy đậu, sau đó lây ngược lại cho trẻ nhỏ.
Mới đây, Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận trường hợp một trẻ 20 ngày tuổi phải nhập viện điều trị thủy đậu do lây từ mẹ.
Cũng theo bác sỹ Khanh, để giảm thiểu khả năng mắc bệnh, nên cho trẻ chích ngừa đầy đủ 2 mũi vắcxin thủy đậu, cách nhau tối thiểu 3 tháng.
Ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc chích ngừa đầy đủ khiến cho virus thủy đậu không còn tồn tại trong cộng đồng, tuy nhiên tại Việt Nam, do tình trạng số trẻ chích ngừa bệnh không đủ 100% nên virus dễ lây lan, trẻ dễ mắc bệnh hơn.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh cảnh báo, nhiều phụ huynh vẫn còn có quan niệm sai lầm trong chăm sóc trẻ bị thủy đậu như cho uống tro gốc rạ, tắm nước gốc rạ, hoặc trùm kín, kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn.
Theo bác sỹ Khanh, chính những quan niệm sai lầm đó khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng, giảm sức đề kháng và bệnh càng nặng thêm.
Trường hợp bé Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (13 tuổi, ở tỉnh An Giang), mắc bệnh thủy đậu đang điều trị tại Khoa Nhiễm-Thần kinh là một ví dụ.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Chương - mẹ của bé Mỹ Ngọc cho biết, do sợ bọng nước nổi nhiều nên khi bé phát bệnh vào ngày mùng 4 Tết đến nay chị không tắm cho con, mặc quần áo dài, nằm trong phòng kín và ăn uống kiêng khem khiến bệnh không những giảm mà còn có dấu hiệu nặng thêm.
Đến khi bé có dấu hiệu sốt, nhiễm trùng da chị mới đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị.
Hiện thủy đậu có thuốc điều trị đặc hiệu và thuốc bôi ngoài da, vì vậy các bác sỹ khuyến cáo nên cho trẻ uống thuốc càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 48 giờ sau khi phát bệnh.
Nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tắm rửa, giữ vệ sinh thân thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng khi mắc thủy đậu./.
Theo vietnamplus
.