Theo đó, để chủ động chăm sóc sức khỏe cho F0 đang cách ly, điều trị tại nhà, toàn tỉnh đã thành lập 148 trạm y tế lưu động trong các khu dân cư, mỗi trạm có ít nhất 3 nhân viên y tế. Các nhân viên y tế có nhiệm vụ theo dõi sức khỏe bệnh nhân, cấp phát thuốc, trường hợp trở nặng sẽ cho chuyển viện. Nhờ có sự liên kết, theo dõi sát sao của nhân viên trạm y tế lưu động nên đã kịp thời phát hiện ca dương tính trong cộng đồng, hướng dẫn cách ly, không để lây lan và giảm áp lực cho các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đối với trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp, đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã thành lập và đưa vào hoạt động 21 trạm. Dự kiến đến cuối tháng 10, Bình Dương sẽ có 140 trạm y tế lưu động tại các khu, cụm công nghiệp nhằm đưa y tế đến gần với doanh nghiệp và công nhân lao động trong bối cảnh “sống cùng với dịch bệnh".

leftcenterrightdel
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (thứ 2 từ trái qua) tham quan trạm y tế lưu động tại doanh nghiệp. 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương khẳng định, đây là hướng đi bắt buộc phải làm đối với một tỉnh công nghiệp như Bình Dương. Theo ông Hiếu, doanh nghiệp không thể áp dụng mãi mô hình “3 tại chỗ” vì tốn chi phí cũng như ảnh hưởng đến tâm lí công nhân, do đó phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Để làm được điều này, phải đưa y tế đến gần với doanh nghiệp để hướng dẫn họ cách ly, điều trị khi phát hiện F0 nhưng nhà máy vẫn "sáng đèn".

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói: “Nếu chỉ 1% hay dưới 1% công nhân mắc COVID-19 thì chỉ cần cách ly phân xưởng đó, thậm chí người bệnh không triệu chứng vẫn đi làm bình thường trong khu vực được quy định. Nếu tỷ lệ ca mắc lớn hơn thì khoanh rộng hơn, thậm chí toàn bộ nhà máy và công nhân vẫn tiếp tục làm việc, trong khi đó y tế sẽ được đưa đến ở cùng với công nhân. Đó là ý nghĩa của việc thành lập trạm y tế lưu động tại chỗ, như vậy mới sống đàng hoàng với dịch để phát triển kinh tế - xã hội”.

leftcenterrightdel
 Nhân viên Trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp ở Bình Dương đến kiểm tra sức khỏe cho công nhân.

Để đảm bảo an toàn cho người dân và ổn định sản xuất trong bối cảnh “sống cùng với dịch bệnh", lãnh đạo tỉnh Bình Dương xác định phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, công nhân. Cũng vì lẽ đó, Bình Dương liên tục kiến nghị Trung ương phân bổ vắc xin.

Hiện, tỉnh Bình Dương đã được phân bổ gần 4,2 triệu liều, hiện đã tiêm gần 2,9 triệu liều, trong đó đã có gần 2,3 triệu liều mũi 1 (tức là 99% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1). Số vắc xin còn lại đang triển khai tiêm mũi 2. Để người lao động yên tâm ở lại Bình Dương lao động sản xuất, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên tiêm mũi 2 cho người lao động để tăng hệ miễn dịch, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất trong tình hình mới.
Thúy Hà