(BVPL) - Tăng thuế thuốc lá là một trong những giải pháp hữu ích giúp giảm thiểu nhu cầu về sử dụng và hạn chế sự tiếp cận của thanh thiếu niên với thuốc lá. Từ đó, giảm gánh nặng về bệnh tật và tử vong trong dài hạn đối với cộng đồng.



Để giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá và cứu sống hàng triệu người tại Việt Nam, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc tăng thuế thuốc lá phải được tiến hành theo một lộ trình cụ thể và Bộ Y tế cũng đã có đề xuất lộ trình tăng thuế TTĐB từ 65% lên 105% vào thời điểm 2015 cho giai đoạn 3 năm từ 2015 - 2017; tăng thuế TTĐB từ 105% lên 145% vào thời điểm 2018 cho giai đoạn 2 năm 2018 - 2019 và tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020. “Với lộ trình này, giá bán lẻ thực tế có thể tăng khoảng 21% cho giai đoạn 2015 - 2017 và 17% cho giai đoạn 2018 - 2019, cao hơn mức tăng thu nhập đầu người cho các giai đoạn này, như vậy sức mua thuốc lá sẽ giảm đi” - ông Khuê nhấn mạnh.


Rõ ràng, trước tình trạng sức mua thuốc lá của người Việt Nam ngày càng tăng như hiện nay, việc tăng thuế chính là biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trong dài hạn đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tăng thuế các sản phẩm thuốc lá giúp làm tăng nguồn thu ngân sách đáng kể cho Nhà nước.


Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới 47,4%; nữ giới 1,4% (Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS)); gần 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá (trung bình cứ 2 nam giới thì có 1 người hút thuốc lá). Độ tuổi bắt đầu hút thuốc tại Việt Nam có xu hướng ngày càng trẻ hóa, có tới 21,6% nam thanh niên từ 16 đến 24 tuổi là người hút thuốc.


Thi Trần

.