Theo Sở Y tế, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có hơn 25.000 trẻ em (TE) mắc tai nạn thương tích (TNTT). Trong đó, số vụ TNTT xảy ra ở trẻ từ 0 đến dưới 16 tuổi năm 2011 có 6.718 em, năm 2012 có 6.264 em, tăng đột biến vào năm 2013 với 8.306 em, 6 tháng đầu năm 2014, số trẻ mắc TNTT vẫn ở mức cao với 3.955 em. Trong các vụ TNTT xảy ra đối với TE thì tai nạn đuối nước là thương tâm nhất.

 

Từ năm 2011 đến tháng 9/2014, tai nạn đuối nước đã làm chết 187 em, đa số là TE dưới 6 tuổi. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2014 có 45 em đã tử vong do đuối nước. Các huyện xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ gồm: Cao Lãnh, Lấp Vò, Tháp Mười, Lai Vung, Châu Thành. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị đuối nước là người lớn chủ quan, lơ là trước những nguy hiểm đối với trẻ như: cho trẻ chơi xung quanh nhà gần sông, rạch mà không có hàng rào; cho TE đùa giỡn, tắm ven sông, khu vực cồn, bến đò...; cho trẻ đi xuồng, ghe nhưng không mặc áo phao;...

Một trong những biện pháp chính ngăn ngừa TNTT do đuối nước ở trẻ em được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, chính quyền địa phương thực hiện là vận động, tuyên truyền để các hộ gia đình có TE nâng cao ý thức cảnh giác, quan tâm, đề phòng, đồng thời triển khai thực hiện xây dựng ngôi nhà an toàn. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với 3 huyện: Tháp Mười, Tam Nông và Cao Lãnh tổ chức hội thảo về phòng, chống đuối nước TE. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tổ chức truyền thông mùa lũ tại 60 xã thuộc các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự cho 6.000 hộ gia đình có trẻ dưới 16 tuổi nhằm góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ TE tại các hộ gia đình.

Hiện nay, các huyện, thị, thành phố đều triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn tại 144 Câu lạc bộ bảo vệ TE trong toàn tỉnh và 36 xã điểm, với hơn 30.000 hộ gia đình có trẻ dưới 16 tuổi đăng ký thực hiện (từ năm 2011 đến nay có gần 7.000 hộ được công nhận ngôi nhà an toàn). Việc tiếp tục vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống TNTT trẻ em, xây dựng ngôi nhà đang ở thành ngôi nhà an toàn cho trẻ là việc cần thiết. Ngoài trách nhiệm của hội đoàn thể địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền, giám sát thực hiện, từng hộ gia đình cũng cần nâng cao ý thức trong chăm sóc, bảo vệ an toàn cho con em để ngày càng giảm TNTT đối với TE.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.