(BVPL) - Bệnh nhân mắc bệnh ung thư đang tăng nhanh tại Việt Nam. Điều đáng buồn là phần lớn người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ở Việt Nam chưa được cao như mong muốn.

 
 
Cách phòng tránh ung thư hiệu quả nhất là tạo dựng lối sống lành mạnh. Ông Thuấn lấy ví dụ về bệnh ung thư phổi và ung thư gan. Đối với 2 bệnh này, cần tuyên truyền phòng bệnh từ sớm (không uống rượu, hút thuốc) bởi dẫu có phát hiện sớm được thì kết quả điều trị cũng không khác nhiều so với người bệnh phát hiện muộn.
Hiện nay, điều trị ung thư có 3 phương pháp chính (phẫu trị, xạ trị, hóa trị) và các phương pháp phối hợp. Trong lĩnh vực điều trị ngoại khoa, mổ bằng rôbốt là một kỹ thuật mới và cho hiệu quả cao, tuy nhiên, bệnh viện K chưa triển khai kỹ thuật này.
 
Trong lĩnh vực xạ trị các kỹ thuật mới đã được áp dụng là xạ trị điều biến liều, hóa-xạ trị đồng thời. Trong lĩnh vực điều trị nội khoa trong những năm gần đây đã cho ra đời các sản phẩm nhờ công nghệ sinh học như kháng thể đơn dòng, kháng sinh mạch…đã góp phần quan trọng trong nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư.
 
Theo ông Thuấn, để phòng chống bệnh ung thư một cách hiệu quả, toàn diện thì trước mắt cần nhanh chóng hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động các cơ sở phòng chống ung thư để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về khám chữa bệnh ung bướu của người dân.
 
Song song với đó là chiến lược lâu dài trong tuyên truyền phòng bệnh, giúp người dân hiểu, hạn chế tối đa tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh qua đó làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tăng cường công tác sàng lọc phát hiện sớm để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư.
 
Dấu hiệu báo động bệnh ung thư:
Nếu người bệnh thấy những dấu hiệu sau thì nên đi khám sớm: Có vết loét lâu liền; nổi u cục bất thường; ho kéo dài hơn 2 tuần, ho ra máu, điều trị không đỡ; ra máu hoặc có dịch bất thường ở âm đạo (nằm ngoài chu kỳ kinh); gầy sút, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân; đau đầu, ù tai, thay đổi thói quen đi tiểu, thói quen của dạ dày, ruột (đi ngoài ra máu); …
 
Theo Cẩm Quyên
Vietnamnet
.