Theo thống kê của TTYT Dự phòng TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận trên 13.200 trường hợp sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 6 trường hợp tử vong.

 


Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, mặc dù đã tăng gấp đôi số giường bệnh nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 2-3 người một giường. Hiện nay, bệnh viện đã phải dồn phòng của nhân viên y tế, kê thêm giường bệnh và tăng cường bác sĩ trực.

Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) cũng đang trong tình trạng quá tải. BS Phạm Bá Hiền - Phó giám đốc BV cho biết, mỗi ngày tại đây khám cho 400-500 ca SXH, trong đó khoảng 20% phải nhập viện. Viện phải tăng cường bác sĩ, phòng làm việc của bác sĩ cũng được kê thêm giường gấp để bệnh nhân nằm truyền dịch.

Để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân điều trị SXH, trao đổi với PV, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết: "Hà Nội vừa bố trí thêm 700 giường bệnh để chăm sóc và điều trị bệnh nhân SXH".

Các bệnh viện sẽ tăng cường lọc bệnh nhân từ khoa khám bệnh và có bàn khám SXH Dengue riêng; tăng cường điều trị ban ngày và điều trị ngoại trú; có dán nhãn, phân loại mức độ bệnh nhân SXH Dengue để có theo dõi, điều trị kịp thời.

Hiện để tăng cường lực lượng cho công tác phòng chống dịch bệnh SXH, 269 xã, phường, thị trấn đã thành lập Đội xung kích diệt bọ gậy, chiếm 46%, trong đó có 11 quận, huyện đã thành lập ở 100% xã, phường.

Từ 14/8 đến hết tháng 8, TTYT Dự phòng Hà Nội sẽ tập trung phun hóa chất tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và một số phường thuộc quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Lộ trình phun sẽ đi từ vùng lỗi trung tâm dịch ra vùng ngoài. 15-20 máy phun/phường được huy động để phun ban ngày, còn phun hóa chất bằng ô tô sẽ thực hiện vào ban đêm từ 1-5 giờ sáng.
 

Theo Thảo Nguyên/Công lý

.