Ngày 9/9, theo thông tin từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, hiện Trung tâm đang điều trị cho 2 trường hợp bị ong đốt rất nặng, một bệnh nhân nữ 90 tuổi bị ong vò vẽ đốt 126 nốt và một bệnh nhân nam 61 tuổi bị ong khoái đốt gần 300 nốt.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân L.T.H (90 tuổi, ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Theo lời kể của người nhà, trưa ngày 2/9, bà ra vườn chặt cây chuối và bị đàn ong vò vẽ đốt nhiều nốt trên toàn thân, gia đình đã đưa bà vào Bệnh viện Quân Y 5.
Tại đây các bác sĩ chẩn đoán, phản vệ độ 2 do ong đốt, biến chứng suy đa tạng. Bệnh nhân diễn biến nặng, được chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vào đêm 2/9 trong tình trạng nguy kịch, tổn thương cơ vân, tổn thương gan, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, suy thận, suy tim được điều trị tích cực bao gồm các biện pháp hồi sức, lọc máu và giải độc.
Qua 3 ngày điều trị hồi sức tích cực, và chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân đang dần hồi phục và tiến triển tốt.
|
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị ong đốt điều trị tại Trung tâm. (Ảnh: BV Bạch Mai). |
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.T.N (61 tuổi ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ngày 29/8, trong lúc đang đi bộ ở sân thì ông bị một đàn ong khoái tấn công và người nhà phải dùng bình xịt muỗi để giải cứu cho ông.
Tuy nhiên, ông đã bị ong đốt gần 300 nốt và đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm độc đang xảy ra ồ ạt: hồng cầu bị vỡ, cơ và mắt bị tổn thương.
Do được đưa đến bệnh viện sớm và điều trị tích cực được thay huyết tương, lọc máu liên tục, thở máy…nên sau 1 tuần điều trị, ông đã qua giai đoạn nguy kịch và đang dần hồi phục.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, sau khi bị ong đốt thì người dân nên uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước có chất khoáng, chất muối, nước canh, orezol và khẩn trương đưa tới y tế cơ sở.
Biện pháp điều trị quan trọng tại cơ sở là cần nhanh chóng bù đủ dịch, đủ nước cho bệnh nhân. Những trường hợp nặng hơn cần đánh giá, kiểm tra, theo dõi kỹ, lọc máu, thay huyết tương sớm nếu cần.
Điều trị tích cực ngay tại tuyến trước bằng cách truyền đủ dịch và cho bài niệu tích cực là yếu tố sống còn để cứu sống bệnh nhân, hạn chế khỏi các tổn thương nguy hiểm đến tính mạng.