Câu chuyện những người nước ngoài cùng nhau dọn rác tại con mương đen ngòm ngõ 381/55/4 Nguyễn Khang (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) tuần qua đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí có nhiều chỉ trích chính quyền địa phương không giúp đỡ mà còn đòi “ông tây” phải xin phép.

 

Có thể nói, chuyện “ông tây” nhặt rác ta không phải là hiếm lâu nay. Có thể điểm qua những người như ông Pierrot (Canada) sống tại Việt Nam đã 18 năm được mệnh danh là Mr. Rác, bởi ông xem công việc nhặt rác trên bãi biển Khánh Hòa là một trong những công việc thú vị của mình.

 

Hay trường hợp ông Ninomiya (Nhật Bản) là Giám đốc Công ty Ishigaki Rubber Việt Nam có trụ sở tại khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư thuộc quận Long Biên, đã thầm lặng đi nhặt rác ở quanh hồ Gươm suốt cả năm nay... Chưa kể đến nhiều du khách nước ngoài tắm biển Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hạ Long cũng tranh thủ đi nhặt rác chỗ mình tắm, được nhiều người thấy lạ chụp ảnh đưa facebook chém gió.

 

Đúng là hiện nay, nói người dân không ý thức giữ vệ sinh chung là chưa đúng. Phải nhìn nhận rằng, ở những nơi sang trọng như các trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn, ai cũng bỏ rác đúng nơi quy định đấy chứ. Nhưng khi đi vào chợ, hay ngoài đường, người ta có phần ngại đi tìm thùng rác thật. Nhưng vì có ý thức, nhiều người cũng biết hạn chế vứt rác công khai.

 

Thông thường là quanh các chậu cây cảnh luôn có đầu lọc thuốc lá, túi nilon, vỏ chai nước suối của ai đó để lại một cách lịch sự cho người khác dọn. Thậm chí một anh đi đường muốn vứt bao thuốc lá, cũng phải vo viên lại, vờ để hớ hênh trên xe cho nó rơi xuống đường. Không ai “bắt tận tay” rằng anh ta có hành vi vứt rác bừa bãi.

 

Tuy nhiên, đáng lẽ việc tự nhận thức rằng bỏ rác đúng nơi đúng chỗ là của chung, thì một số người lại chê bai chính quyền rằng nhân viên vệ sinh đâu? Thậm chí chỉ trích “tôi đóng tiền thuế thì các ông phải lo dọn cho sạch”. Vâng, cái đồng tiền thuế mà người ta luôn đem ra dọa chính quyền ấy lại là trách nhiệm, và nghĩa vụ của một công dân. Xin thưa, cứ người dọn kẻ xả thì có đến cả triệu công nhân vệ sinh cũng không làm nổi.

 

Rồi khi một phóng viên đến phỏng vấn ba chớp ba nháng vị chủ tịch phường Yên Hòa rằng chính quyền sao không biết, sao không hỗ trợ. Vị chủ tịch này trả lời chân thực rằng những người khách ấy bỗng dưng đến dọn rác, đâu có báo thì làm sao địa phương biết mà hỗ trợ.

 

Những lời phát ngôn ấy lập tức được cắt gọt và đẩy lên tầm cao hơn: Nhặt rác phải xin phép. Và rồi, vị chủ tịch phường ấy phải vất vả đính chính lại cho rõ trên một tờ báo khác. Tuy nhiên, chữ đã viết ra, dư luận được dịp hùa theo chém gió không ngớt. Và rồi, việc giữ vệ sinh môi trường một lần nữa được ấn vào trách nhiệm cơ quan công quyền.

 

Nhiều người có ý miệt thị rằng lãnh đạo nhặt rác thì quay phim chụp ảnh lên TV, còn mấy “ông tây” nhặt rác thì chả ai đếm xỉa. Xin thưa, việc lãnh đạo hay UBND phường Yên Hòa đã dọn trước đó, giống như các chiến dịch tình nguyện hè hằng năm có hàng ngàn thanh niên xung kích tham gia dọn rác, được gọi là phong trào.

 

Mà tại sao lại phải làm phong trào? Vì người dân không tự giác, nên chính quyền mới phải tạo ra phong trào. Chứ nếu đó là chuyện hàng ngày, thì cần gì phải làm phong trào nữa. Cho nên, nếu một ngày nào đó, truyền hình không cần đưa hình ảnh lãnh đạo nhặt rác, ngày đó dân mình có lẽ đã biết tự giác giữ vệ sinh chung.

 

Theo Báo Người tiêu dùng

.