(BVPL) - Vào những ngày thời tiết nóng bức, việc bảo quản thức ăn, thực phẩm đúng cách sẽ giúp phòng tránh sự nhiễm khuẩn và một số nguyên nhân gây nên các bệnh đường tiêu hóa như ngộ độc, tiêu chảy cấp...
 
Bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giúp phòng tránh một số bệnh đường tiêu hóa. Hình minh họa.
Bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giúp phòng tránh một số bệnh đường tiêu hóa. Hình minh họa.
 
Thủ đô Hà Nội mấy ngày gần đây đã bắt đầu bước vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể lên đến trên 30 độ C. Tại khu vực miền Nam, hiện tượng nắng gắt và nóng nực cũng đang kéo dài. Được biết, trong thời gian gần đây, số lượng trẻ em nhập viện do mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa có xu hướng tăng dần. Thời tiết nắng nóng, vi trùng phát triển nhiều khiến trẻ em vô tình ăn phải thực phẩm hỏng vì không được bảo quản đúng cách.
 
Nhiều người có thói quen khi nấu ăn xong thường để thức ăn ở nhiệt độ phòng, không bảo quản nên vi trùng dễ xâm nhập và gây nên các bệnh tiêu hóa, thức ăn nếu để lâu trong nhiệt độ nóng thường sẽ dễ làm vi trùng phát triển nhanh chóng, số vi trùng sẽ tăng gấp đôi, gấp ba và sẽ tiếp tục phát triển theo cấp số nhân. Với lượng vi khuẩn lớn như vậy có trong thức ăn, nếu con người ăn phải sẽ bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Vậy nên, các món ăn được nấu xong thì nên ăn ngay và cố gắng không để thức ăn trong nhiệt độ thường quá 2 tiếng.
 
Ngoài ra, một số người cũng có thói quen cất thức ăn vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản và cho rằng sẽ rất an toàn. Tuy nhiên, ngăn mát của tủ lạnh luôn giữ ở mức là trên 5 độ C, ở nhiệt độ này, vi khuẩn vẫn có thể sinh sôi, do đó cần hạn chế việc bảo quản thức ăn trong thời gian dài dù đã cất vào tủ lạnh, đối với thực phẩm đã qua chế biến thì nên dùng sớm, tránh để lâu trong ngăn mát.
Cuối cùng, khi bảo quản thức ăn bằng tủ lạnh, nên để thức ăn nguội bớt rồi mới cho vào tủ, tránh để thức ăn đang nóng vào tủ lạnh luôn vì có thể khiến thực phẩm bị biến chất, ngưng động hơi nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh trưởng.
 
Thùy Hương (t/h)
.