Ngộ độc rượu thường là do uống quá nhiều hoặc sử dụng loại rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm.


Biểu hiện của ngộ độc rượu

- Ngộ độc rượu Etylic

Ngộ độc cấp tính do uống quá nhiều, liều gây ngộ độc tùy theo người có thể dẫn đến ngộ độc từ nhẹ đến nặng. Thông thường hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây “say” và 4-6g/lít có thể gây tử vong.

Giai đoạn đầu: hưng cảm, nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát, bị kích động.

Giai đoạn sau: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng. Hơi thở của bệnh nhân có mùi rượu; buồn nôn, nôn, đau bụng; khó thực hiện các động tác đơn giản; nói líu; đi lảo đảo; biểu hiện lơ mơ, nhìn mờ, lờ đờ hoặc nhìn đôi; có khi co giật, mất ý thức; hạ huyết áp, hạ thân nhiệt; rối loạn hô hấp, trụy tim mạch; giảm thông khí phế nang, tăng tiết khí quản, ứ đọng đờm dãi, dẫn đến thiếu oxy tổ chức, toan chuyển hóa; có thể xảy ra viêm dạ dày, viêm tụy cấp; có thể gây hạ đường huyết và co giật.

Ngộ độc mạn tính do uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân; chán ăn; ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể gây ung thư gan; mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần…

- Ngộ độc rượu Metylic

Trường hợp ngộ độc mức độ nhẹ: Cảm giác say say, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa; nhức đầu; thị trường thu hẹp, khi khỏi có thể để lại di chứng.

Trường hợp ngộ độc mức độ nặng: Biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, có thể gây nôn ra máu; rối loạn thần kinh; rối loạn hô hấp; rối loạn về nhìn, đồng tử giãn; rối loạn tuần hoàn; soi đáy mắt thấy phù gai thị, xuất tiết võng mạc; đái ít, vô niệu và tử vong. Nếu khỏi sẽ để lại di chứng mù do tổn thương võng mạc, dây thần kinh số II.

Chăm sóc, điều trị người bị ngộ độc rượu

Trường hợp ngộ độc rượu Etylic:

-Say rượu: Cho nạn nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh; có thể cho uống 10-20 giọt Amoniac hay 1-5g Amonium acetat trong một ly nước muối.

Ngộ độc rượu:

Nếu mất ý thức hoặc lơ mơ: Đặt nạn nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn cứ 10 phút kiểm tra nhịp thở và cần giữ ấm cho nạn nhân. Đưa nạn nhân đi viện.

Nếu ngừng thở: cần làm thông thoáng đường thở và hô hấp nhân tạo.

Nếu hôn mê, co giật: nằm nghiêng; nếu hôn mê sâu, co giật cần đặt nội khí quản và thở máy (nếu cần).

Ứ đọng đờm dãi, tụt lưỡi, suy hô hấp, thở yếu, ngừng thở: nằm nghiêng, đặt ống hầu, hút đờm dãi, thở oxy, đặt nội khí quản, thở máy (theo mức độ).

Đặt sonde rửa dạ dày và hút dịch (nếu đến sớm trong vòng 1 giờ và bệnh nhân nôn ít); truyền dịch, cho thuốc lợi tiểu để thải trừ rượu nhanh chóng.

Nếu nôn nhiều: tiêm thuốc chống nôn, giảm tiết dịch vị và uống thuốc bọc niêm mạc dạ dày; bù nước điện giải; chống hạ đường huyết.

Trường hợp ngộ độc rượu Metylic:

Hồi sức cấp cứu: Rửa dạ dày và hấp phụ methanol bằng than hoạt tính; Chống phù phổi cấp: Đặt nội khí quản, thở máy; Lọc ngoài thận (lọc màng bụng hay thận nhân tạo) càng sớm càng tốt, khi bắt đầu dấu hiệu phù gai thị hoặc khi nồng độ cồn Metylic cao; Chống toan huyết bằng dung dịch Natri hydrocacbon; Sử dụng thuốc kháng độc; Sử dụng thuốc hỗ trợ: Thúc đẩy quá trình giải độc của cơ thể, chống toan chuyển hóa, lợi tiểu tăng đào thải.

Các biện pháp phòng ngừa ngộ độc rượu trong cộng đồng:

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền, giáo dục chống lạm dụng rượu và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm, rượu pha chế, rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Nghiêm cấm tuyệt đối không pha và không được uống cồn Metylic. Tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, công khai các vi phạm. Tăng cường giám sát mối nguy phát hiện sớm sản phẩm rượu chứa Metylic, thu hồi và xử lý triệt để, tránh lưu thông trên thị trường.


Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.