Các nhà khoa học Anh thuộc trường Đại học Imperial London khám phá ra một loại protein làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể lên gấp 10 lần, một tác dụng “đáng kinh ngạc” có thể giúp bệnh nhân tăng cường đáng kể khả năng chống trả ung thư và vi rút.
 
 
Khi sàng lọc những con chuột mang đột biến gen, các nhà khoa học đã phát hiện ra một dòng chuột sản sinh lượng tế bào T độc tế bào nhiều gấp 10 lần khi bị nhiễm vi rút, so với chuột bình thường.
 
Nhưng những con chuột này có sức đề kháng với nhiễm trùng và ung thư mạnh hơn nhiều. Chúng cũng sản sinh nhiều hơn một loại tế bào T thứ hai - gọi là tế bào ghi nhớ - cho phép nhận diện những nhiễm trùng đã từng gặp phải trước đây và phát động đáp ứng nhanh chóng.
 
Khám phá này hoàn toàn bất ngờ vì chức năng của protein mới chưa từng được biết đến và không giống với bất kỳ protein nào khác mà khoa học đã ghi nhận.
 
Với phát hiện tình cờ trên, nhóm nghiên cứu thấy rằng protein chưa từng được biết tới – mà họ đặt tên là phân tử khai triển tế bào lympho (lymphocyte expansion molecule, viết tắt là LEM) – làm tăng số lượng tế bào T (tế bào có khả năng “tìm và diệt” các tế bào ung thư một cách đáng ngạc nhiên.
 
Các thử nghiệm sâu hơn cho thấy LEM có tác động tương tự đối với hệ miễn dịch của người
 
Hiện giờ họ đang phát triển một liệu pháp gen sẽ làm tăng sản sinh protein LEM trong cơ thể, qua đó làm tăng số tế bào T để tấn công tế bào ung thư.
 
Liệu pháp sẽ sử dụng các tế bào T đang có lấy từ cá nhân người bệnh. Các tế bào của bệnh nhân sẽ được lấy ra, biến đổi bằng cách “chèn” thêm gen sản xuất LEM vào, và sau đó đưa trở lại cơ thể người bệnh qua đường truyền, có lẽ là 4 lần/2 tháng.
 
Liệu pháp này cũng có thể được sử dụng để điều trị các vi rút khác.
 
Các nhà khoa học cho biết liệu pháp gen ban đầu sẽ được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn. Việc điều trị sẽ khá đắt tiền vì nó sẽ phải được “cá thể hóa” cho từng người bệnh, dựa trên việc lấy tế bào của chính bệnh nhân. Nhưng chi phí sẽ được quản lý dựa trên lợi ích đáng kể mà nó mang lại.
 
Việc phát triển liệu pháp mới trong 6 năm qua còn có sự tham gia của Trường Đại học Queen Mary, London, ETH Zurich, Thụy Sĩ và Trường Y Harvard ở Mỹ.
 
Protein thúc đẩy cơ thể sản sinh các tế bào miễn dịch có tên là tế bào T độc tế bào, những tế bào này có khả năng “tìm và diệt” các tế bào ung thư. Các tế bào T độc tế bào là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch, nhưng khi phải đối mặt với những nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc ung thư giai đoạn muộn, thì thường chúng không thể huy động được với lượng đủ lớn để chống lại bệnh.
 
Theo Dân trí/Dailymail
.