Sau nhiều năm yên ắng, bệnh sởi đang quay trở lại và có những diễn biến bất thường. Nhiều trẻ đang có miễn dịch từ sữa mẹ, chưa đến độ tuổi tiêm phòng vắc-xin sởi vẫn mắc bệnh. Cùng với sởi, thủy đậu cũng bắt đầu “vào mùa” với số trẻ nhập viện ngày càng gia tăng. Sởi và thủy đậu có một số biểu hiện giống nhau như sốt, nổi ban nên các bậc cha mẹ cần biết cách phân biệt hai bệnh này để có cách chăm sóc, xử trí thích hợp.


Đối với bệnh thủy đậu thì việc chăm sóc da cho người bệnh là rất quan trọng. Biến chứng nhiều nhất của thủy đậu chính là nhiễm trùng nốt rạ, độ nặng có thể làm nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng sâu sẽ để lại sẹo. Khi nốt rạ bị vỡ, cố gắng không để bệnh nhân gãi vào nhằm giảm khả năng bội nhiễm. Người lớn và trẻ nhỏ đều cần phải được tiêm vắc-xin để phòng tránh. Nếu chăm sóc tốt bệnh sẽ tự khỏi, bệnh nhân nào có sức đề kháng tốt thì các nốt rạ xuất hiện ít và ngược lại. Việc dân gian cho rằng cần trùm kín để các nốt phát ra nhiều mới mau lành bệnh, đã làm ủ ẩm vùng da có các nốt rạ khiến các mụn nước bị bưng bít, gây mủ và khuẩn trùng.

Phòng bệnh hiệu quả bằng tiêm vắc-xin

Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân của việc gia tăng bệnh sởi là do cha mẹ không tiêm phòng đầy đủ khi trẻ được 9 tháng tuổi và không tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đặc biệt, do thời gian gần đây, các bậc phụ huynh lo sợ những rủi ro trong tiêm phòng nên không cho trẻ đi tiêm. Sỏi có thể gây những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản... hoặc mù do khô loét giác mạc vì thiếu vitamin A. Thậm chí bệnh có thể dẫn đến viêm não, viêm cơ tim có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng. Chính vì vậy, cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của cán bộ y tế để phòng bệnh. Cũng như bệnh sởi, bệnh thuỷ đậu có thể phòng tránh nếu như được tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ... Khi trẻ mắc bệnh, cần cách ly trẻ ở nhà, không nên đưa trẻ đến trường nhằm tránh lây lan.

 

Theo SK&ĐS