Tai biến do dùng thuốc là một cấp cứu thường gặp. Ngay cả đối với các thuốc tưởng như lành tính thì cũng có thể gây nên những tác hại khó lường. Paracetamol là một loại thuốc hạ sốt giảm đau thông thường và khá an toàn đối với đa số người bệnh. Tuy nhiên, nó cũng là lưỡi hái tử thần với trường hợp bệnh nhân quá mẫn cảm với thuốc hoặc dùng thuốc quá liều, không đúng chỉ định.
Chị H. kể, khi bị sốt cao, đau đầu 2 ngày, chị đi khám bệnh thì được chẩn đoán là sốt virut, bác sĩ có chỉ định cho uống viên hạ sốt paracetamol 500mg/lần cách 4-6 giờ uống 1 viên, nếu sốt 5 ngày không hết thì đi khám lại. Sốt đến 7 ngày đi khám lại, chị vẫn được chẩn đoán là sốt do virut, ngoài uống thuốc hạ sốt, vitamin, truyền dịch chị không phải dùng thêm bất cứ loại thuốc nào khác. Đến khi uống viên hạ sốt efferacgan codein 500mg sủi mà chị H. không thấy hạ sốt được là bao nhiêu, chị tự ý uống 2 viên panadol cafein 500mg x 2v/lần mới thấy bớt sốt. Uống thuốc như vậy trong 3 ngày, mỗi ngày 5-6 lần, chị H. thấy đau đầu dữ dội, không ngủ được, đau tức vùng bụng, nôn nhiều, hoa mắt chóng mặt chị mới tới Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh...
Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan, chị H. được bác sĩ chẩn đoán là viêm gan cấp do paracetamol. Chỉ số men gan của chị lên cao hơn rất nhiều lần so với giá trị bình thường đồng thời xét nghiệm các chức năng khác của gan đều rối loạn: bilrubin tăng cao > 300 umol/l, tỷ lệ prothrombin giảm chỉ còn < 50%. Kết quả siêu âm gan của chị H. cho thấy gan của chị có hiện tượng nhu mô gan không đồng đều.
Rất may, sau một tuần điều trị tích cực, tình hình sức khỏe của chị H. dần khỏe lại, men gan hạ thấp dần về với mức an toàn, chức năng gan đã có dấu hiệu hồi phục, chị H. thoát hiểm trong gang tấc và may mắn là không để lại di chứng gì trên gan. Nhưng phải 3 tháng sau đó, sức khỏe của chị H. mới bắt đầu tạm ổn. Cũng kể từ đó, mỗi lần phải dùng thuốc gì, chị H. đều rất thận trọng, đặc biệt là khi phải dùng thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol chị lại nơm nớp lo sợ cho cái gan của mình...
Vì sao ngộ độc?
Theo PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai thì các trường hợp tai biến do dùng thuốc như chị N.T.T.H. cũng không phải là hiếm gặp. Có nhiều bệnh nhân để lại những di chứng nặng nề mãi về sau. Trường hợp của chị H. đã rất may mắn vì chức năng gan đã được hồi phục hoàn toàn.
PGS.TS.Ngọc cũng cho biết, paracetamol là một loại thuốc có thể coi là lành tính, được bán rộng rãi trên thị trường mà không cần đơn của bác sĩ. Nhưng không vì thuốc “lành” mà có thể sử dụng bừa bãi. Thực tế đã có nhiều bệnh nhân bị ngộ độc thuốc, nhẹ thì gây viêm gan cấp tính, nặng có thể dẫn tới tử vong. Trong trường hợp của chị H., uống thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol kéo dài tới hơn 10 ngày tại nhà không đến bệnh viện để được theo dõi, lại dùng liều lượng lớn khiến quá trình chuyển hóa trong cơ thể không thích ứng, tạo ra một chất có tên gọi benzoquinoneimin (NAPQI) gây độc với gan.
Ngộ độc paracetamol xảy ra khi uống một lượng lớn thuốc trong một thời gian ngắn hoặc sử dụng paracetamol kéo dài không đúng cách. Ở người ngộ độc paracetamol thường có những triệu chứng mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, nôn hoặc buồn nôn, có thể đau hạ sườn phải, vàng da; xét nghiệm có tăng men gan, tăng bilirubin, rối loạn đông máu; ở những trường hợp nặng hơn có thể thấy suy thận và bệnh lý não gan; thậm chí có thể tử vong do suy đa tạng. Nếu bệnh nhân sống thì chức năng gan hồi phục hoàn toàn, tổ chức gan lành trở lại, không để lại dấu vết xơ hóa.
Vì vậy, dù paracetamol là thuốc có nhiều trên thị trường, người bệnh phải thận trọng khi dùng thuốc, dùng đúng chỉ định, đúng liều dưới sự kê đơn và theo dõi của bác sĩ.
Theo SK&ĐS