Ai cũng mong muốn con mình sinh ra sẽ được khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác, lớn lên sẽ thông minh, ngoan ngoãn và thành đạt. Tuy nhiên, không ai có thể quyết định được điều đấy…Nhiều tác nhân đã gây nên căn bệnh ngày càng phổ biến - bệnh tự kỷ.
 


Số trẻ bị tự kỷ ngày càng gia tăng

Hiện nay, số lượng trẻ bị tự kỷ đang ngày một gia tăng và đáng báo động. Trẻ mắc bệnh tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, học hành mà còn có những rối loạn về hành vi ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

Theo số liệu của Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn 2000 - 2007 số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng đông. Trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000 và số trẻ tự kỷ đến điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000. Đến nay, chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ mắc hội chứng tự kỷ, nhưng theo khẳng định của nhiều bác sỹ chuyên phát hiện và điều trị bệnh này ở trẻ thì con số mỗi năm tăng lên rất nhanh.

Điều đáng nói là, nếu ở các nước phương Tây, khuyết tật tự kỷ đã được xã hội hóa và hầu như mọi người đều có những hiểu biết nhất định về rối loạn này, thì ở Việt Nam, số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng tăng chóng mặt trong khi kiến thức về vấn đề này của các bậc cha mẹ lại còn khá khiêm tốn.

Việc phát hiện sớm hội chứng tự kỷ là một vấn đề cấp bách và quan trọng. Trẻ tự kỷ được phát hiện càng sớm thì cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội càng cao. Con số thành công đó lên đến 80% nếu được can thiệp từ 2- 3 tuổi. Các bác sỹ cho biết, giai đoạn này để can thiệp điều trị cho trẻ mắc bệnh tự kỷ là từ 2-3 tuổi.

“Chuyên gia trên thế giới cũng như các bác sỹ, nhà chuyên môn của Việt Nam  đến thời điểm hiện tại vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tự kỷ là gì. Tuy nhiên, vẫn hướng đến 3 nguyên nhân là: Trẻ bị tổn thương tế bào não ngay từ trong bụng mẹ; Gen và di truyền; Tác động của môi trường”, đấy là ý kiến của Bác sỹ Đỗ Thúy Nga - Giám đốc Trung tâm Hy Vọng (290 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) khi được hỏi về nguyên nhân chính khiến số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng nhiều để từ đó có biện pháp cụ thể.

Những trẻ mắc bệnh tự kỷ có một điểm chung là đều thiếu hụt kỹ năng sống (kỹ năng tự phục vụ, giao tiếp, ăn, ngủ,…). Cụ thể, trẻ thường có những đặc điểm như: chậm nói, có khó khăn trong giao tiếp với người khác (trẻ không cười, không nhìn vào mắt người đối diện, không có tương tác với người chăm sóc), có những hành vi rập khuôn, khó thích ứng với sự thay đổi hoàn cảnh…

Nhân chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai, Tiến sỹ Andy Shih hiện là Phó Chủ tịch Tổ chức Autism Speaks, Hoa Kỳ và cũng là người có hàng chục năm nghiên cứu về hội chứng tự kỷ trên thế giới đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Tại Việt Nam nơi dân số hiện nay gần 90 triệu dân, bài toán đặt ra là làm sao chúng ta đào tạo được một triệu bác sỹ, y tá để có thể tư vấn trực tiếp cho những trẻ tự kỷ. Do đó, mục tiêu đặt ra là huấn luyện cho cả những người chuyên (bác sỹ, y tá) lẫn không chuyên (tình nguyện viên, phụ huynh) trong lĩnh vực này, đưa sự nhận biết phủ sóng càng rộng càng tốt”.

Đó là hy vọng mà số đông người dân Việt Nam mong muốn được đạt tới, ở thời điểm mà bệnh tự kỷ trở thành một căn bệnh của thời đại và đang ngày càng gia tăng.     

Nỗi lòng của mẹ khi con bị tự kỷ

Đã không ít lần ôm con khóc mà con vẫn cứ nhìn mình bằng ánh mắt vô hồn thay vì lau đi những giọt nước mắt cho mẹ như những đứa trẻ khác; Và rồi, không biết bao nhiêu lần phải tự băng bó tay, chân vì bị con “đánh”, chị Hoàng Thị Liên (Kỳ Sơn – Nghệ An) chỉ biết khóc vì thương con mà không biết phải làm thế nào và luôn nghĩ con mình mắc chứng bệnh tâm thần. Khi con chị Liên được 14 tuổi thì gia đình mới có điều kiện đưa ra bệnh viện ở Hà Nội khám và phát hiện ra bé mắc bệnh tự kỷ.

Đây là một trong số rất nhiều những trường hợp gia đình có con tự kỷ ở nông thôn. Cũng xuất phát từ điều kiện kinh tế nên nhiều gia đình phải sống chung với sự khác thường về tính cách con trẻ bị tự kỷ và trẻ thì phải sống chung với bệnh mà không hay biết.

Chị Thu (Hoàn Kiếm – Hà Nội) còn nhớ như in cái cảm giác đau đớn, tủi hờn khi con đến tuổi học mẫu giáo mà trường không nhận. Chị ôm con chạy thẳng về nhà rồi khóc. Không được vào học mẫu giáo thì tương lai con mình sẽ ra sao đây. “Lúc đấy, tôi như mất đi cảm giác và thấy đầu óc hỗn tạp, tưởng chừng như một mình một thế giới. Vừa thương con, vừa thấy lạc lõng”, chị Thu chua xót kể lại.

Có thể với xã hội,  cụm từ “tự kỷ”  được định nghĩa khô khan với những từ ngữ chuyên ngành. Nhưng đối với các bà mẹ có trẻ bị tự kỷ, họ hiểu tự kỷ là phải cố gắng yêu thương trẻ và chấp nhận trẻ vô điều kiện, là không được la mắng  ngay cả những khi trẻ nghịch ngợm quá đà, là nhiều đêm thức trắng hay ngủ chập chờn trong nước mắt, nhiều lúc tuyệt vọng, nhưng phải cố gắng vươn lên vì nếu người mẹ không cố gắng thì trẻ sẽ thêm thiệt thòi.

Phải kiên trì và chấp nhận nhìn thẳng vào thực tế bệnh của trẻ là việc mà gia đình có trẻ tự kỷ cần làm. Sự can thiệp của gia đình được các bác sỹ đánh giá là chiếm 50% trong quá trình hoàn thiện kỹ năng sống cho trẻ, tương lai của trẻ bị tự kỷ sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu mọi người trong cộng đồng đều hiểu hơn về tự kỷ.
 

Đào Thương