Ghen tuông, xung đột về tài chính, bất hòa trong cuộc sống..., những nguyên nhân này ít nhiều làm cho không khí gia đình căng thẳng, và một khi những người trong cuộc không kiềm chế được thì dễ dẫn đến những hành động đáng tiếc.

 

 

Cần ngăn chặn bạo lực gia đình

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi ngược đãi, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm... mức phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 2 triệu đồng. Đối với những hành vi có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự. Vậy nhưng trong cuộc sống hàng ngày vẫn xảy ra những kiểu bạo hành gia đình khác nhau, những người phụ nữ và con trẻ thường là người trực tiếp chịu hậu quả.

Thạc sĩ tâm lý Đinh Anh Tuấn (Trường Đại học Quy Nhơn), phân tích: “Bạo hành gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển tâm lý của những thành viên trong gia đình, nhất là đối với sự phát triển tâm sinh lý của con trẻ, các em dễ bị trầm cảm hoặc có xu hướng bắt chước hành vi”. Do đó, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, các thành viên khác trong gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người thân hóa giải mâu thuẫn. Mặt khác, các hội, đoàn thể cơ sở, tổ hòa giải khu dân cư, y tế cơ sở, trung tâm tư vấn cần chủ động can thiệp kịp thời nhằm giúp đỡ người bị bạo hành, tuyên truyền, giáo dục cho mọi người biết hành động bạo lực gia đình là trái pháp luật để hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

Theo Báo Bình Định

.