Để tự đo huyết áp tại nhà được tốt trước hết cần chọn loại huyết áp kế phù hợp với điều kiện kinh tế và sự hiểu biết cách sử dụng y cụ.
 
Hỏi: Cha em bị tăng huyết áp lâu năm, khi đi khám điều trị bác sĩ có dặn nên theo dõi huyết áp bằng cách đo huyết áp tại nhà, nhưng khi đo chỉ số luôn không giống nhau. Vậy xin hỏi những lưu ý gì khi đo huyết áp điện tử?
(Nguyễn Thanh Hùng - TP.HCM)
 
Trả lời: Bệnh tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp, trong dân gian gọi là “lên máu” hay “tăng xông”. Đây là bệnh lý mãn tính, tăng dần và nguy hiểm, gây ra 7,1 triệu người chết hàng năm, tên toàn thế giới. Với tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng như vậy, nhất là tai biến mạch máu não, bệnh gánh nặng cho bản thân gia đình và xã hội, cho nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo việc cần thiết để tự đo huyết áp tại nhà, với mục đích giúp người bệnh biết được tình trạng tăng huyết áp, để điều trị kịp thời.
 
Để tự đo huyết áp tại nhà được tốt trước hết cần chọn loại huyết áp kế phù hợp với điều kiện kinh tế và sự hiểu biết cách sử dụng y cụ. Bởi vì hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy đo huyết áp như: máy đo huyết áp kế thủy ngân, máy đo huyết áp bằng bóp áp lực hơi đồng hồ, máy đo huyết áp điện tử loại cổ tay và bắp tay. Huyết áp kế thủy ngân là máy đo chính xác nhất nhưng việc tự sử dụng tại nhà không được thuận tiện, đòi hỏi người đo phải biết chuyên môn như y tá hay điều dưỡng, hơn nữa thủy ngân rất độc hại nếu không may bị vỡ, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và môi trường.

 

 
Để theo dõi và tự đo huyết áp tại nhà, ta nên sử dụng máy đo điện tử. Trước khi đo huyết áp cần tuân thủ một số việc: không được uống cà phê, trà quá đậm hay hút thuốc lá, ngồi nghỉ hoặc nằm ở nơi yên tĩnh, thoải mái ít nhất trong 5 phút. Khi đo huyết áp bằng huyết áp điện tử ta cần lưu ý kiểm tra pin còn đủ để máy hoạt động, nếu pin yếu thì kết quả không chính xác. Vì là hàng điện tử nên tránh làm va chạm mạnh rơi rớt hay làm ẩm ướt máy; làm thao tác theo đúng tư thế hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với máy đo huyết áp điện tử, nên sử dụng loại băng quấn cánh tay, hạn chế sử dụng cổ tay và ngón tay vì ít chính xác hơn.
 
Khi đo, người bệnh ngồi hay nằm ở tư thế thoải mái; trường hợp ngồi thì tay đặt lên bàn ngang tầm với tim, hai chân ở tư thế thoải mái; nếu nằm thì tay duỗi thẳng, đầu kê gối vừa phải không cao quá, hít thở bình thường rồi mới tiến hành đo.
 
Đối với máy đo huyết áp điện tử loại cổ tay, thì quấn vòng đo của máy vào cổ tay, mép của vòng quấn cách nếp cổ tay 1,5 - 2cm (thường đo bên tay trái), cẳng tay khép trước ngực ngang với vị trí của tim; ấn nút đo, máy sẽ tự bơm, xả hơi và cho kết quả cuối cùng.
 
Đối với máy đo huyết áp điện tử loại bắp tay, thì quấn băng quấn tay vào cánh tay, mép dưới của băng quấn trên nếp khuỷu tay từ 2,5 - 5cm; quấn nhẹ nhàng, chặt vừa phải, bàn tay người được đo ở tư thế ngửa; bấm nút đo để máy tự bơm hơi (với loại tự động) hoặc bóp bóng bơm hơi cho đến khi máy đủ hơi (với loại bán tự động), máy tự xả hơi và hiển thị kết quả đo.
 
Nên đo ít nhất 2 lần và cách nhau ít nhất 2 phút cho mỗi lần đo, trị số chính xác là giá trị trung bình cộng của hai lần nói trên; nếu 2 lần đo chênh lệch nhau trên 5mmHg, cần thực hiện đo lần thứ ba và lấy trung bình cộng của cả ba lần đo.
 
Trong quá trình đo, người đo không được cử động hay nói chuyện. Không nên đo quá nhiều lần trong ngày nếu không cần thiết; có thể đo vào mỗi sáng hay tối tùy theo đặc điểm cao huyết áp từng người; hoặc đo khi có triệu chứng bất thường như chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, mệt...
 
Theo SK&ĐS